Hướng Dẫn Hạch Toán Truy Thu Thuế Theo Thông Tư 200
Nội dung bài viết được cố vấn chuyên môn bởi Th.S Lê Thị Ánh - CEO Trung tâm Lê Ánh, Giảng viên khóa học kế toán tổng hợp thực hành tại Kế Toán Lê Ánh
Hạch toán truy thu thuế, tiền chậm nộp tiền thuế hay tiền phạt hành chính sau khi doanh nghiệp, đơn vị thanh tra, kiểm tra là bút toán không mấy phức tạp nhưng đây là nghiệp vụ đặc thù, ít khi gặp nên kế toán viên thường lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu khi gặp phải.
Vậy hạch toán truy thu thuế theo thông tư 200 mới nhất như thế nào? Cùng Kế Toán Lê Ánh tìm hiểu trong bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn và xem ví dụ cụ thể về hạch toán truy thu thuế doanh nghiệp.
Nội dung bài viết:
1. Hạch Toán Truy Thu Thuế Là Gì?
Truy thu thuế là quyết định hành chính của cơ quan thuế nhằm yêu cầu các đối tượng nộp thuế cần phải nộp phần thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.
Doanh nghiệp bị truy thu thuế sẽ được đề cập đến các khoản nợ thuế từ năm trước đó mà doanh nghiệp chưa nộp. Người nộp thuế có thể cố ý hoặc vô ý dẫn đến chưa nộp đủ thuế, các lý do này bao gồm các hành vi như: bỏ qua việc khai thuế trong năm tính thuế nhất định; không báo cáo tất cả thu nhập kiếm được trong năm tính thuế; việc kê khai thu nhập và không thực hiện nghĩa vụ thuế,...
Hạch toán truy thu thuế là định khoản số tiền mà doanh nghiệp bị truy thu vào khoản chi phí và không được tính là chi phí được trừ khi doanh nghiệp quyết toán thuế TNDN.
2. Văn Bản Quy Định Về Cách Hạch Toán Truy Thu Thuế
Theo Điểm 2.36 Khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định như sau:
"2.36. Các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính bao gồm: Vi phạm luật giao thông, vi phạm chế độ đăng ký kinh doanh, vi phạm chế độ kế toán thống kê, vi phạm pháp luật về thuế bao gồm cả tiền chậm nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các khoản phạt về vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật."
Tuy nhiên, hầu hết những quyết định truy thu thuế đều là những sai sót trọng yếu của doanh nghiệp và liên quan tới số liệu của kỳ trước. Kế toán doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại chuẩn mực kế toán số 29 như sau:
"23. Doanh nghiệp phải điều chỉnh hồi tố những sai sót trọng yếu liên quan đến các kỳ kế toán trước vào báo cáo tài chính phát hành ngay sau thời điểm phát hiện ra sai sót bằng cách:
a. Điều chỉnh lại số liệu so sánh nếu sai sót thuộc kỳ lấy số liệu so sánh; hoặc
b. Điều chỉnh số dư đầu kỳ của tài sản, nợ phải trả và các khoản mục thuộc vốn chủ sở hữu của kỳ lấy số liệu so sánh, nếu sai sót thuộc kỳ trước kỳ lấy số liệu so sánh."
Theo chuẩn mực kế toán, những khoản truy thu thuế phải được điều chỉnh vào số dư đầu kỳ của tài sản và các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp, các khoản mục thuộc vốn chủ sở hữu của năm hiện tại (năm thực hiện việc kiểm tra thuế).
⇒ Do đó, số dư đầu kỳ của năm hiện tại sẽ là số đúng sau khi đã điều chỉnh những số liệu bị truy thu hay phạt thuế của những năm trước.
3. Hạch Toán Truy Thu Thuế Theo Thông Tư 200
3.1. Khi doanh nghiệp phải nộp tiền thuế
Khi doanh nghiệp phải nộp tiền thuế, kế toán hạch toán truy thu thuế theo bút toán sau:
- Doanh nghiệp khi nhận được thông báo truy thu thuế thì:
Nợ TK 811: Chi phí khác
Có TK 3339: Phí, lệ phí và các khoản phải nộp
- Nộp tiền phạt:
Nợ TK 3339: Phí, lệ phí và các khoản phải nộp
Có TK 111, 112
- Cuối kỳ kế toán kết chuyển:
Nợ TK 911
Có TK 811
Về bản chất, hạch toán vào TK 811 hay TK 4211 đều làm giảm lợi nhuận kế toán tiếp theo của doanh nghiệp. Nếu hạch toán vào TK 4211 là giảm lãi của năm trước. Hạch toán vào TK 811 là giảm lãi của năm nay. Sẽ được nêu cụ thể trong các trường hợp sau dưới đây.
Tham khảo: Khóa Học Kế Toán Online - Tương Tác Trực Tiếp Cùng Giảng Viên Kế Toán Trưởng Trên 10 Năm Kinh Nghiệm
3.2 Hạch toán truy thu thuế vào TK 4211
a. Hạch toán khoản thuế phải truy thêm như sau:
- Thuế GTGT doanh nghiệp bị truy thu thêm:
Nợ TK 4211 - Lợi nhuận chưa phân phối năm trước
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp
- Thuế TNDN doanh nghiệp bị truy thu thêm:
Nợ TK 4211 - Lợi nhuận chưa phân phối năm trước
Có TK 3334 - Thuế TNDN phải nộp
b. Thuế thu nhập cá nhân truy thu thêm như sau:
- Trường hợp khấu trừ vào tiền lương của người lao động trong kỳ này
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động
Có TK 3335 - Thuế TNCN doanh nghiệp phải nộp
- Trường hợp do công ty, doanh nghiệp phải trả
Nợ TK 4211 - Lợi nhuận chưa phân phối năm trước
Có TK 3335 - Thuế TNCN doanh nghiệp phải nộp
- Khi nộp tiền thuế truy thu thêm, kế toán ghi nhận:
Nợ TK 3331, 3334, 3335 - Thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN phải nộp
Có TK 111, 112
- Điều chỉnh số trích khấu hao tài sản cố định doanh nghiệp:
Nợ TK 214 - Hao mòn tài sản cố định
Có TK 4211 - Lợi nhuận chưa phân phối năm trước
Chú ý: Các trường hợp ở trên thì kế toán của công ty, doanh nghiệp không phải lập lại sổ sách kế toán.
3.3. Hạch toán vào TK 811
a. Hạch toán truy thu thuế thêm như sau:
Tại thời điểm nhận được quyết định xử lý truy thu thuế GTGT, thuế TNDN, kế toán doanh nghiệp hạch toán
- Hạch toán truy thu thuế TNDN:
Nợ TK 821 - Chi phí thuế TNDN
Có TK 3334 - Thuế TNDN phải nộp
- Hạch toán truy thu thuế GTGT:
Nợ TK 811 - Chi phí khác
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp
- Khi nộp tiền thuế:
Nợ TK 3331, 3334 - Thuế GTGT, thuế TNDN phải nộp
Có TK 111, 112
b. Hạch toán tiền phạt, tiền chậm nộp thuế như sau:
- Khi nhận quyết định xử lý truy thu thuế:
Nợ TK 811: Chi phí khác
Có TK 3339: Phí lệ phí và các khoản phải nộp
- Khi nộp tiền phạt:
Nợ TK 3339: Phí lệ phí và các khoản phải nộp
Có TK 111, 112
- Kết chuyển:
Nợ TK 911
Có TK 811
Tương tự ở trên thì các trường hợp này kế toán của doanh nghiệp, công ty không phải lập lại sổ sách kế toán, cũng như không phải lập lại tờ khai quyết toán thuế của các kỳ trước. Khi tới cuối năm tài chính, quyết toán thuế TNDN kế toán tự loại phần chi phí không được tính vào phần chi phí hợp lý được khấu trừ thuế trên tờ khai quyết toán theo quy định của pháp luật.
4. Ví Dụ Chi Tiết Nghiệp Vụ Hạch Toán Truy Thu Thuế
Ví dụ: Doanh nghiệp TBC bị truy thu số thuế GTGT là 112 triệu đồng, thuế TNDN là 20 triệu đồng, thuế TNCN là 35 triệu đồng. Tổng tiền phạt là 48 triệu đồng. Khấu hao TSCĐ vượt định mức là 13 triệu đồng (chi phí bị loại).
Giả sử, doanh nghiệp không truy thu được thuế TNCN và không muốn có chênh lệch tạm thời về khấu hao TSCĐ.
- Khi nhận được quyết định truy thu của cơ quan thuế, kế toán hạch toán truy thu thuế như sau:
Nợ TK 4211 hoặc TK 811: 112 triệu
Có TK 3331: 112 triệu
Nợ TK 4211 hoặc TK 811: 20 triệu
Có TK 3334: 20 triệu
Nợ TK 4211 hoặc TK 811: 35 triệu
Có TK 3335: 35 triệu
Nợ TK 4211 hoặc TK 811: 13 triệu
Có TK 214: 13 triệu
- Khi nộp tiền truy thu và nộp phạt, kế toán hạch toán:
Nợ TK 3331: 112 triệu
Có TK 111,112: 112 triệu
Nợ TK 3334: 20 triệu
Có TK 111,112: 20 triệu
Nợ TK 3335: 35 triệu
Có TK 111,112: 35 triệu
Nợ TK 421 hoặc TK 811: 48 triệu
Có TK 111, 112: 48 triệu
Vậy bạn hãy lựa cho mình cách hạch toán truy thu thuế phù hợp nhất, và nhớ là các khoản thuế truy thu phải hạch toán qua TK 333 nhé.
5. Lưu Ý Cho Kế Toán Khi Hạch Toán Truy Thu Thuế Doanh Nghiệp
Việc doanh nghiệp nhận được quyết định truy thu thuế thể hiện doanh nghiệp đang chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình, khi đó, kế toán sẽ phải đối chiếu lại các khoản thuế phải nộp và các chi phí bị loại và tiến hành nộp khoản tiền truy thu.
Có một số lưu ý như sau:
- Đối với số liệu sổ sách, tờ khai quyết toán thuế, BCTC của các năm bị sai sót truy thu thuế, kế toán của doanh nghiệp, công ty không phải lập lại sổ sách kế toán, cũng như không phải lập lại tờ khai quyết toán thuế của các kỳ trước. Cuối năm tự loại chi phí không được tính vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp.
- Quyết toán thuế TNDN chỉ kê khai bổ sung, điều chỉnh khi người nộp thuế tự phát hiện ra sai sót trước khi cơ quan thuế công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế của doanh nghiệp.
- Trường hợp của đơn vị, doanh nghiệp đã có quyết định thanh tra, kiểm tra thuế thì kế toán doanh nghiệp không được khai bổ sung, điều chỉnh quyết toán thuế.
- Đơn vị không được điều chỉnh lại sổ sách kế toán của các năm đã được kiểm toán.
Mẹo hay: Để tránh trường hợp phải nộp phạt tiền chậm nộp tiền thuế. Kế toán đặc biệt cần phải chú ý nộp đúng thời hạn các loại tờ khai và tiền thuế phải nộp của doanh nghiệp mình.
Xem thêm:
- Hạch Toán Góp Vốn Điều Lệ Theo Thông Tư 20
- Cách Hạch Toán Các Khoản Giảm Trừ Doanh Thu
- Hạch Toán Doanh Thu Chưa Thực Hiện
- Cách Hạch Toán Hàng Biếu Tặng Theo Thông Tư 200/ 133
- Hạch Toán Tiền Thuê Nhà Theo Thông Tư 200
Vậy là, Kế Toán Lê Ánh đã chia sẻ và giới thiệu cho các bạn kiến thức về hạch toán truy thu thuế theo chuẩn Thông tư 200, văn bản pháp luật quy định và những lưu ý dành cho kế toán doanh nghiệp khi gặp phải nghiệp vụ phát sinh này. Hy vọng những thông tin ở trên sẽ hữu ích với bạn.
Kế Toán Lê Ánh - Nơi đào tạo kế toán thực hành uy tín nhất hiện nay, đã tổ chức thành công rất nhiều khóa học nguyên lý kế toán, khóa học kế toán tổng hợp online/offline, khóa học kế toán thuế chuyên sâu, ... và hỗ trợ kết nối tuyển dụng cho hàng nghìn học viên.
Nếu như bạn muốn tham gia các khóa học kế toán của trung tâm Lê Ánh thì có thể liên hệ hotline tư vấn: 0904 848 855/ Mrs Lê Ánh
Ngoài các khóa học kế toán thì trung tâm Lê Ánh còn cung cấp các khóa học xuất nhập khẩu online - offline, khóa học hành chính nhân sự chất lượng tốt nhất hiện nay.
Chúc các bạn luôn luôn thành công!