Báo Cáo Thường Niên Là Gì? Cách Lập Và Phân Biệt Với Báo Cáo Tài Chính

Báo cáo thường niên là một trong những tài liệu quan trọng nhất mà doanh nghiệp phát hành hàng năm, nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về hoạt động kinh doanh và chiến lược phát triển của mình. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa báo cáo thường niên và báo cáo tài chính – hai loại báo cáo với nội dung và mục đích khác nhau. Bài viết dưới đây Kế toán Lê Ánh sẽ giúp bạn hiểu rõ báo cáo thường niên là gì, cách lập báo cáo này và cách phân biệt chúng với báo cáo tài chính để sử dụng hiệu quả thông tin trong việc đánh giá và quyết định kinh doanh.

1. Báo cáo thường niên là gì?

Báo cáo thường niên là tài liệu tổng hợp được phát hành hàng năm bởi doanh nghiệp nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính, và chiến lược phát triển trong năm vừa qua. Báo cáo này thường được trình bày dưới dạng chuyên nghiệp, bao gồm các thông tin từ kết quả kinh doanh, tình hình tài chính đến các thành tựu nổi bật, định hướng và mục tiêu cho năm tới. Đối tượng chính của báo cáo thường niên là cổ đông, nhà đầu tư, và các bên liên quan khác.

Vai trò của báo cáo thường niên:

Cung cấp thông tin minh bạch: Giúp cổ đông, nhà đầu tư và công chúng hiểu rõ hơn về tình hình hoạt động, sức khỏe tài chính, và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp.

Xây dựng uy tín và niềm tin: Doanh nghiệp thể hiện cam kết minh bạch, trách nhiệm với các bên liên quan thông qua báo cáo thường niên, từ đó củng cố uy tín trên thị trường.

Định hướng chiến lược: Báo cáo thường niên không chỉ tóm tắt kết quả kinh doanh mà còn chia sẻ định hướng, chiến lược phát triển dài hạn, tạo cơ hội để cổ đông và nhà đầu tư đánh giá sự khả thi và tính bền vững của doanh nghiệp.

Công cụ quảng bá hình ảnh: Được thiết kế chuyên nghiệp và nội dung phong phú, báo cáo thường niên còn giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ, thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư tiềm năng.

Bằng cách phát hành báo cáo thường niên đều đặn, doanh nghiệp khẳng định sự cam kết lâu dài và tinh thần trách nhiệm của mình đối với cổ đông và các bên liên quan.

2. Nội dung chính của báo cáo thường niên

Để xây dựng một báo cáo thường niên hoàn chỉnh, không chỉ nội dung chi tiết và thông tin minh bạch mà cả sự sáng tạo trong cách trình bày cũng đóng vai trò quan trọng. Việc sắp xếp bố cục hiệu quả và thiết kế ấn tượng nhằm truyền tải thông tin phân tích, đánh giá một cách rõ ràng, thu hút người đọc từ đầu đến cuối trang báo cáo. Điều này phản ánh sự quan tâm và đầu tư của doanh nghiệp trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với nhà đầu tư, đồng thời khẳng định tính chuyên nghiệp và tầm nhìn dài hạn của mình.

Một báo cáo thường niên thường bao gồm các nội dung chính sau:

- Thông tin giới thiệu về công ty: Khái quát các thông tin như Quá trình hình thành và phát triển; Ngành nghề và địa bàn kinh doanh; Thông tin về mô hình quản trị và cơ cấu tổ chức; Định hướng phát triển…

- Các sự kiện và thành tựu nổi bật trong năm: Tình hình đầu tư; Tình hình thực hiện các dự án; Tổ chức nhân sự; Tình hình tài chính; Cơ cấu cổ đông thay đổi vốn đầu tư của chủ sở hữu

- Báo cáo phát triển bền vững: Chiến lược phát triển bền vững; Giá trị cốt lõi; Quản trị công ty

- Báo cáo tài chính: Bảng cân đối kế toán; Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; Lưu chuyển tiền tệ; Thuyết minh

- Định hướng phát triển cho năm tới

- Hoạt động CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) và báo cáo tài chính

>>> Tham khảo: Bài Tập Phân Tích Báo Cáo Tài Chính [Có Hướng Dẫn Và Đáp Án]

3. Phân biệt báo cáo thường niên với báo cáo tài chính

Sự khác biệt giữa báo cáo thường niên và báo cáo tài chính chủ yếu xuất phát từ mục tiêu mà mỗi loại báo cáo hướng đến. Báo cáo tài chính tập trung vào việc cung cấp các số liệu cụ thể và chính xác về tình hình tài chính, kết quả hoạt động trong kỳ, cũng như các thay đổi tài chính quan trọng của doanh nghiệp. Đây là nguồn thông tin cần thiết để cổ đông và nhà đầu tư đánh giá hiệu quả kinh doanh và sức khỏe tài chính của công ty.

Phân biệt báo cáo thường niên với báo cáo tài chính:

Mục đích sử dụng:

Báo cáo thường niên: Được phát hành để cung cấp bức tranh toàn diện về hoạt động kinh doanh, chiến lược và các thành tựu của doanh nghiệp trong năm. Báo cáo thường niên không chỉ bao gồm các số liệu tài chính mà còn thể hiện mục tiêu dài hạn, tầm nhìn và cam kết của doanh nghiệp. Phạm vi sử dụng rộng, không chỉ dành cho các cổ đông mà còn cho công chúng, nhà đầu tư tiềm năng, và đối tác.

Báo cáo tài chính: Tập trung vào việc trình bày tình hình tài chính của doanh nghiệp qua các chỉ số tài chính cụ thể như tài sản, nợ phải trả, doanh thu, chi phí và lợi nhuận. Phạm vi sử dụng chủ yếu để giúp các bên liên quan, nhà đầu tư và cơ quan quản lý đánh giá sức khỏe tài chính và hiệu quả hoạt động trong một khoảng thời gian cụ thể.
Nội dung và cấu trúc

Phạm vi sử dụng:

Báo cáo thường niên: Bao gồm các phần như thông điệp từ ban lãnh đạo, tổng quan về doanh nghiệp, kết quả hoạt động kinh doanh, định hướng chiến lược, quản trị doanh nghiệp, và hoạt động CSR (trách nhiệm xã hội). Thông tin tài chính chỉ chiếm một phần, và nội dung được thiết kế sao cho dễ đọc và thu hút, thường sử dụng hình ảnh, đồ họa và các yếu tố trình bày sinh động.

Báo cáo tài chính: Tập trung vào số liệu tài chính và được chia thành các bảng biểu cụ thể như bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, và thuyết minh báo cáo tài chính. Các số liệu này được kiểm toán để đảm bảo tính chính xác và minh bạch.

Đối tượng sử dụng:

Báo cáo thường niên: Hướng đến cổ đông, nhà đầu tư, đối tác, nhân viên, và công chúng. Báo cáo thường niên đóng vai trò như một công cụ tiếp thị và xây dựng hình ảnh doanh nghiệp.

Báo cáo tài chính: Chủ yếu dành cho các cổ đông, nhà đầu tư, cơ quan quản lý, và kiểm toán viên. Mục tiêu là giúp họ đánh giá chính xác tình hình tài chính của doanh nghiệp nhằm đưa ra quyết định đầu tư hoặc quản lý phù hợp.

Báo Cáo Thường Niên Là Gì? Cách Lập Và Phân Biệt Với Báo Cáo Tài Chính

4. Tại sao doanh nghiệp cần báo cáo thường niên?

Lợi ích đối với doanh nghiệp:

Báo cáo thường niên là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp thể hiện sự minh bạch và chuyên nghiệp trong hoạt động của mình. Bằng cách cung cấp thông tin đầy đủ về kết quả kinh doanh, thành tựu và định hướng phát triển, báo cáo thường niên xây dựng niềm tin và uy tín đối với cổ đông, nhà đầu tư, và đối tác.

Đồng thời, đây cũng là phương tiện để doanh nghiệp tạo ấn tượng tích cực, thu hút sự chú ý của nhà đầu tư mới và củng cố mối quan hệ với các bên liên quan hiện có. Ngoài ra, việc chuẩn bị báo cáo thường niên còn giúp doanh nghiệp tự đánh giá lại hoạt động, phát hiện điểm mạnh, điểm yếu, từ đó cải thiện chiến lược và hiệu quả kinh doanh trong tương lai.

Các yêu cầu pháp lý và quy định liên quan:

Quy định về báo cáo thường niên điều 120 – Công bố thông tin của công ty đại chúng yêu cầu phải công bố thông tin định kỳ về một hoặc một số nội dung sau đây:

Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán, báo cáo tài chính 06 tháng đã được soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận, báo cáo tài chính quý;

Báo cáo thường niên;

Báo cáo tình hình quản trị công ty;

Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên;

Thông tin khác theo quy định của pháp luật.

Công ty đại chúng phải công bố thông tin theo quy định về báo cáo thường niên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con khi xảy ra một trong các sự kiện như:

Sự kiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư;

Có thông tin liên quan đến công ty ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán và cần phải xác nhận thông tin đó.

5. Cách thực hiện mẫu báo cáo thường niên

Quy trình lập báo cáo thường niên

  1. Xác định mục tiêu và phạm vi báo cáo – Xác định nội dung chính, đối tượng người đọc và phạm vi thông tin cần cung cấp.
  2. Thu thập thông tin và số liệu – Tập hợp dữ liệu từ các phòng ban, bao gồm kết quả tài chính, thành tựu và các chiến lược.
  3. Xây dựng nội dung và cấu trúc – Sắp xếp các phần thông tin một cách logic, từ phần mở đầu đến các báo cáo chi tiết.
  4. Thiết kế và trình bày – Đảm bảo báo cáo có bố cục dễ đọc, thu hút với đồ họa và biểu đồ minh họa phù hợp.
  5. Rà soát và kiểm duyệt – Kiểm tra nội dung để đảm bảo tính chính xác, sau đó kiểm duyệt từ ban lãnh đạo và các phòng ban liên quan.
  6. Phát hành – Xuất bản báo cáo dưới dạng in ấn và/hoặc bản điện tử, và gửi đến các bên liên quan như cổ đông, đối tác.

Lưu ý khi lập báo cáo thường niên

  • Tính minh bạch và trung thực – Trình bày số liệu và thông tin khách quan, tránh phóng đại hoặc che giấu thông tin.
  • Sự rõ ràng và dễ hiểu – Sử dụng ngôn ngữ và đồ họa giúp người đọc dễ dàng hiểu thông tin, ngay cả khi không có nền tảng tài chính sâu rộng.
  • Đảm bảo tính liên tục và nhất quán – Các số liệu và thông tin cần có sự liên kết và nhất quán với báo cáo các năm trước.
  • Bám sát quy định pháp lý – Đảm bảo tuân thủ các yêu cầu pháp lý, đặc biệt là đối với các công ty đại chúng.
  • Tập trung vào chiến lược và định hướng tương lai – Ngoài việc phản ánh kết quả kinh doanh, báo cáo nên thể hiện rõ kế hoạch và tầm nhìn của doanh nghiệp, giúp nhà đầu tư nắm bắt định hướng phát triển sắp tới.

6. Ví dụ về báo cáo thường niên

Dưới đây là phân tích chi tiết về báo cáo thường niên năm 2022 của Tập đoàn Vinamilk. Báo cáo này là một trong những ví dụ điển hình về tính minh bạch, tính chuyên nghiệp và chiến lược phát triển rõ ràng của một doanh nghiệp lớn trong ngành thực phẩm và sữa.

báo cáo thường niên Vinamilk 2022

1. Thư ngỏ từ ban lãnh đạo

Trong phần mở đầu, thư ngỏ từ Chủ tịch HĐQT của Vinamilk tóm lược các thành tựu quan trọng của doanh nghiệp trong năm 2022. Mặc dù đối mặt với những thách thức từ nền kinh tế toàn cầu và thị trường nội địa, Vinamilk vẫn duy trì sự ổn định trong hoạt động kinh doanh và tiếp tục mở rộng thị trường quốc tế. Thông điệp này giúp nhà đầu tư nhận thấy sự kiên định và tinh thần phát triển bền vững của Vinamilk ngay cả trong điều kiện khó khăn.

2. Thông tin chung về doanh nghiệp

Vinamilk đã dành một phần quan trọng trong báo cáo để giới thiệu về lịch sử hình thành, mô hình kinh , tóm tắt thông tin tài chính... Phần này giúp người đọc hiểu rõ hơn về cam kết của Vinamilk đối với chất lượng sản phẩm, giá trị lâu dài, và trách nhiệm với cộng đồng. Những thông tin này không chỉ củng cố niềm tin của nhà đầu tư mà còn giúp xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực cho công ty.

3. Báo cáo hoạt động 

Báo cáo tài chính của Vinamilk năm 2022 cho thấy kết quả tích cực, với doanh thu đạt mức kỷ lục bất chấp những biến động kinh tế. Cụ thể:

Doanh thu: Doanh thu của Vinamilk tiếp tục tăng, phản ánh khả năng mở rộng thị trường và duy trì lượng tiêu thụ mạnh mẽ. Báo cáo cũng cho thấy doanh thu từ thị trường nước ngoài đang tăng lên, thể hiện nỗ lực quốc tế hóa của doanh nghiệp.

Lợi nhuận sau thuế: Lợi nhuận sau thuế ổn định và đạt được mục tiêu đề ra, cho thấy hiệu quả trong việc quản lý chi phí và tối ưu hóa hoạt động.

Phần này còn bao gồm các biểu đồ, đồ thị minh họa sự tăng trưởng qua các năm, giúp người đọc dễ dàng so sánh và theo dõi tiến trình phát triển của công ty.

4. Chiến lược phát triển trong năm 2023

Báo cáo thường niên năm 2022 của Vinamilk nhấn mạnh chiến lược dài hạn bao gồm:

Mở rộng thị trường quốc tế: Vinamilk tiếp tục nỗ lực tăng trưởng tại các thị trường nước ngoài, đặc biệt là Đông Nam Á và Trung Đông.

Đổi mới sản phẩm: Đầu tư vào các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại.

Ứng dụng công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất: Mục tiêu của Vinamilk là không ngừng cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí

5. Quản trị công ty

Gồm 2 thành phần quan trọng: Báo cáo Quản trị công ty và Báo cáo quản trị rủi 

6. Hoạt động CSR và phát triển bền vững

Vinamilk chú trọng báo cáo về các hoạt động trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững. Năm 2022, Vinamilk đã triển khai nhiều chương trình vì cộng đồng như:

Hỗ trợ các chương trình giáo dục và sức khỏe: Tài trợ sữa miễn phí cho trẻ em nghèo và tổ chức các chương trình giáo dục sức khỏe.

Bảo vệ môi trường: Cam kết giảm thiểu khí thải và tối ưu hóa quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.

Phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng: Đầu tư vào nguồn nguyên liệu bền vững và cải thiện điều kiện làm việc cho nhân viên.

Các hoạt động này không chỉ nâng cao uy tín của Vinamilk mà còn giúp doanh nghiệp đáp ứng kỳ vọng từ các nhà đầu tư hướng đến các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao.

7. Báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính của Vinamilk bao gồm các thành phần quan trọng như:

  • Bảng cân đối kế toán: Phản ánh cấu trúc tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu. Chỉ số nợ trên vốn của Vinamilk ở mức an toàn, cho thấy khả năng quản lý rủi ro tài chính tốt.
  • Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh: Chi tiết về doanh thu, chi phí, và lợi nhuận, cho phép người đọc đánh giá hiệu quả kinh doanh thực tế của công ty.
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Trình bày các dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính, giúp nhà đầu tư hiểu rõ khả năng tạo ra dòng tiền và quản lý dòng tiền của Vinamilk.

Các số liệu tài chính này đã được kiểm toán bởi đơn vị kiểm toán độc lập, đảm bảo tính minh bạch và đáng tin cậy.

Các yếu tố cần chú ý khi đọc báo cáo thường niên của Vinamilk:

Tính nhất quán và tăng trưởng trong số liệu tài chính: Sự ổn định và gia tăng trong các chỉ số tài chính cho thấy Vinamilk đang phát triển bền vững, quản lý chi phí hiệu quả và tận dụng tốt cơ hội kinh doanh.

Phân tích thị trường và chiến lược dài hạn: Định hướng quốc tế hóa và chiến lược sản phẩm mới của Vinamilk cho thấy tầm nhìn dài hạn và khả năng thích ứng với thị trường toàn cầu. Đây là những yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư cần cân nhắc khi đánh giá tiềm năng phát triển của doanh nghiệp.

Tỷ lệ nợ và khả năng thanh toán: Vinamilk có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu an toàn, điều này cho thấy công ty có đủ khả năng tài chính để phát triển mà không gặp rủi ro quá lớn về nợ.

Cam kết trách nhiệm xã hội: Vinamilk thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững. Đối với nhà đầu tư, yếu tố này không chỉ giúp tạo thiện cảm mà còn phản ánh khả năng duy trì một thương hiệu lâu dài và có ảnh hưởng tích cực đến xã hội.

Báo cáo thường niên của Vinamilk năm 2022 cho thấy một bức tranh toàn diện về tình hình tài chính, chiến lược phát triển và cam kết xã hội của doanh nghiệp, khẳng định vị thế của Vinamilk là một trong những doanh nghiệp sữa hàng đầu tại Việt Nam.

Việc nắm rõ cách lập và phân biệt báo cáo thường niên với báo cáo tài chính sẽ giúp người đọc, nhất là những ai có nhu cầu đầu tư hoặc hợp tác, hiểu rõ hơn về tiềm năng và định hướng phát triển của doanh nghiệp. Hy vọng qua bài viết trên của Kế toán Lê Ánh, bạn đã có cái nhìn chi tiết về Báo cáo thường niên là gì và vai trò của báo cáo thường niên trong bức tranh tài chính tổng thể của doanh nghiệp.

>>> Tham khảo: Khóa học Phân tích Báo cáo tài chính Doanh Nghiệp

------------------------------

Kế Toán Lê Ánh - Nơi đào tạo kế toán thực hành uy tín nhất hiện nay, đã tổ chức thành công rất nhiều khóa học nguyên lý kế toánkhóa học kế toán tổng hợp, khóa học kế toán thuế cho người mới bắt đầukhóa học kế toán quản trịkhóa học kế toán thuế chuyên sâukhóa học phân tích tài chính doanh nghiệpkhóa học chứng chỉ kế toán trưởngkhóa học kế toán cho chủ doanh nghiệp... và hỗ trợ kết nối tuyển dụng cho hàng nghìn học viên.

Nếu như bạn muốn tham gia các khóa học kế toán online/offline của trung tâm Lê Ánh thì có thể liên hệ hotline tư vấn: 0904.84.8855/ Mrs Lê Ánh 

Ngoài các khóa học kế toán thì trung tâm Lê Ánh còn cung cấp các khóa học hành chính nhân sự online/offline, khóa học xuất nhập khẩu TPHCM, Hà Nội, online chất lượng tốt nhất hiện nay.

Thực hiện bởi: KẾ TOÁN LÊ ÁNH - TRUNG TÂM ĐÀO TẠO KẾ TOÁN SỐ 1 VIỆT NAM