IFRS - Khung Khái Niệm Cho Báo Cáo Tài Chính - Conceptual Frame work

Khung khái niệm cho báo cáo tài chính (Conceptual Framework) đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và xây dựng các nguyên tắc kế toán quốc tế. Bài viết này Kế toán Lê Ánh sẽ đi sâu vào các thành phần chính của khung khái niệm IFRS, giải thích vai trò, ý nghĩa và cách nó ảnh hưởng đến quá trình lập báo cáo tài chính trong môi trường kinh doanh toàn cầu.

I. Khung khái niệm báo cáo tài chính (PHẦN 1)

1. Asset - Tài sản:

Là một nguồn lực:

- Đơn vị kiểm soát được từ những sự kiện trong quá khứ

- Dự kiến mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai.

Tiêu chuẩn đối với tài sản là đơn vị có quyền kiểm soát chứ không phải có quyền sở hữu (ví dụ như đơn vị được ghi nhận tài sản thuê tài chính như tài sản của mình mặc dù không có quyền sở hữu). Quyền sở hữu thường bó hẹp hơn quyền kiểm soát. Để hiểu hơn về quyền kiểm soát, có thể tham chiếu IFRS 16 về thuê tài sản, theo đó quyền kiểm soát sẽ đạt được khi đơn vị có

(1) quyền thụ hưởng các lợi ích kinh tế từ việc sử dụng tài sản và(2) quyền quyết định việc sử dụng tài sản.

(2) quyền quyết định việc sử dụng tài sản.

2. Liability - Nợ phải trả

Là nghĩa vụ hiện tại của đơn vị phát sinh từ các sự kiện trong quá khứ mà việc thanh toán nghĩa vụ đó dự kiến dẫn đến làm giảm nguồn lực kinh tế của đơn vị.

Nợ phải trả trên BCĐKT thường có 2 loại là nợ phải trả tài chính (có thỏa thuận bằng hợp đồng), ví dụ như các khoản đi vay, nợ phải trả người bán…) và nợ phải trả phi tài chính (không có hợp đồng, như các khoản phải trả về thuế, BHXH…). Việc phân biệt 2 loại này khá quan trọng vì việc xác định giá trị nợ phải trả và trình bày trên BCTC có thể khác nhau; việc phân loại ngắn dài cũng có khác biệt (các khoản nợ thuế, BHXH.. luôn được phân loại là ngắn hạn trong khi nợ phải trả tài chính thì có thể là ngắn hoặc dài tùy theo điều khoản hợp đồng). Ngoài ra cần đặc biệt lưu ý nợ phải trả tiềm tàng không được ghi nhận trên BCTC riêng mà chỉ được thuyết minh. Tuy nhiên trong giao dịch hợp nhất kinh doanh, bên mua có thể ghi nhận nợ tiềm tàng của bên bị mua.

3. Equity - Vốn chủ sở hữu

Vốn chủ sở hữu: là lợi ích còn lại của tài sản một đơn vị sau khi trừ đi tất cả các khoản nợ phải trả của đơn vị đó.
Không phải tất cả các đơn vị đều có vốn chủ sở hữu, ví dụ các quỹ đầu tư báo cáo trên cơ sở tài sản thuần. Đôi khi có người nhầm lẫn giữa tài sản của chủ sở hữu và tài sản của toàn đơn vị. Chủ sở hữu chỉ sở hữu phần tài sản thuần của đơn vị chứ không sở hữu tài sản của đơn vị.

4. Income and Expenses - Thu nhập và Chi phí

Thu nhập là sự gia tăng trong tài sản, hay giảm đi của nợ phải trả, dẫn đến sự gia tăng vốn chủ sở hữu, mà không phải là các khoản góp vốn của người nắm giữ vốn chủ sở hữu.
Chi phí là sự giảm đi của tài sản, hay sự gia tăng của nợ phải trả, dẫn đến sự giảm đi của vốn chủ sở hữu, mà không phải là sự phân phối cho người nắm giữ vốn chủ sở hữu.

5. Going concern assumption - Giả định hoạt động liên tục.

Giả định hoạt động liên tục: Báo cáo tài chính thường được lập dựa trên giả định là đơn vị báo cáo là hoạt động liên tục và sẽ tiếp tục hoạt động trong tương lai dự kiến. Do đó, giả định là đơn vị không có ý định hoặc không rơi vào tình trạng phá sản hay ngừng kinh doanh. Nếu đơn vị có ý định hay rơi vào tình trạng đó, báo cáo tài chính có thể được lập trên cơ sở khác. Khi đó, trong báo cáo tài chính cần có mô tả về cơ sở lập báo cáo tài chính được sử dụng.

>>> Xem thêm: Doanh Nghiệp Vừa Và Nhỏ Có Nên Áp Dụng IFRS?

II. Khung khái niệm báo cáo tài chính (PHẦN 2)

1. Current alue - Giá trị hiện hành

Việc xác định giá trị hiện hành cung cấp thông tin tiền tệ về tài sản, nợ phải trả và các khoản thu nhập, chi phí có liên quan, sử dụng thông tin đã được cập nhật để phản ánh các điều kiện tại ngày xác định giá trị. Do sự cập nhật, giá trị hiện hành của tài sản và nợ phải trả phản ánh những thay đổi trong việc ước tính các dòng tiền và các nhân tố khác kể từ ngày xác định giá trị trước đó. Không giống như giá gốc, giá trị hiện hành của một tài sản hay nợ phải trả không bắt nguồn, dù là một phần, từ giá của giao dịch hay sự kiện dẫn đến hình thành tài sản hay nợ phải trả đó.

Cơ sở xác định giá trị hiện hành bao gồm:(a) giá trị hợp lý (fair value); (b) giá trị sử dụng (Value in use) đối với tài sản và giá trị để hoàn thành nghĩa vụ (fulfilment value) đối với nợ phải trả; và (c) giá phí hiện hành (current cost), trong đó:

- Giá trị hợp lý - cung cấp thông tin về giá sẽ nhận được khi bán một tài sản hoặc được trả để chuyển nhượng một khoản nợ trong một giao dịch có trật tự giữa các bên tham gia thị trường tại ngày đo lường.

- Giá trị sử dụng là giá trị hiện tại của các dòng tiền, hay các lợi ích kinh tế khác, mà một đơn vị kỳ vọng thu được từ việc sử dụng tài sản hay thanh lý cuối cùng tài sản đó. Giá trị để hoàn thành nghĩa vụ là giá trị hiện tại của tiền mặt, hay các nguồn lực kinh tế khác, mà một đơn vị dự tính sẽ phải chuyển giao khi thanh toán nợ phải trả.

- Giá phí hiện hành của một tài sản là giá gốc (hoặc giá phí, nguyên giá tùy theo từng loại như các khoản đầu tư, TSCĐ hay hàng tồn kho) của một tài sản tương tự tại ngày xác định giá trị, bao gồm khoản thanh toán sẽ được trả tại ngày xác định giá trị cộng với chi phí giao dịch có thể phát sinh tại ngày đó. Giá phí hiện hành của một khoản nợ phải trả là khoản thanh toán có thể nhận được cho một khoản nợ phải trả tương tự tại thời điểm xác định giá trị trừ đi chi phí giao dịch có thể phát sinh tại ngày đó.

Giá phí hiện hành, giống như giá gốc, là giá trị đầu vào, phản ánh giá cả trên thị trường mà đơn vị mua tài sản hay phát sinh nợ phải trả. Do đó, giá phí hiện hành khác với giá trị hợp lý, giá trị sử dụng hay giá trị để hoàn thành nghĩa vụ, là các giá trị đầu ra. Giá phí hiện hành cũng không giống như giá gốc (phản ánh tại theo giá tại ngày giao dịch), giá phí hiện hành phản ánh các điều kiện tại ngày xác định giá trị (thường là reporting date).

- Giá trị hiện tại được xác định trên cơ sở chiết khấu giá trị danh nghĩa các khoản tiền và tương đương tiền phải thu/phải trả trong tương lai theo lãi suất hiệu dụng (lãi suất thực).

2. Derecognition - Dừng ghi nhận

Dừng ghi nhận là sự loại bỏ tất cả hay một phần của một tài sản hay nợ phải trả đã được ghi nhận khỏi báo cáo tình hình tài chính của một đơn vị. Việc dừng ghi nhận thường xảy ra khi khoản mục đó không còn thỏa mãn định nghĩa của một tài sản hay khoản nợ phải trả:

(a) đối với tài sản, việc dừng ghi nhận thường xảy ra khi đơn vị mất quyền kiểm soát đối với toàn bộ hay một phần của tài sản đã ghi nhận; và

(b) đối với nợ phải trả, việc dừng ghi nhận thường xảy ra khi đơn vị không còn nghĩa vụ hiện hành với tất cả hay một phần của khoản nợ phải trả đã ghi nhận.

3. Offsetting - Bù trừ

Bù trừ xuất hiện khi đơn vị ghi nhận và xác định giá trị một tài sản và một khoản nợ phải trả như là các đơn vị ghi sổ riêng lẻ, nhưng lại nhóm chúng thành một giá trị thuần trong báo cáo tình hình tài chính. Việc bù trừ các khoản mục không tương tự với nhau nhìn chung là không phù hợp. Việc bù trừ tài sản và nợ phải trả khác với việc xử lý một tập hợp các quyền và nghĩa vụ như một đơn vị ghi sổ đơn lẻ.

4. Capital - Vốn

Khái niệm tài chính về vốn được áp dụng bởi hầu hết các đơn vị khi lập báo cáo tài chính. Theo khái niệm tài chính về vốn, ví dụ như tiền đã đầu tư hay sức mua được đầu tư, vốn đồng nghĩa với tài sản thuần hay vốn chủ sở hữu của một đơn vị. Theo khái niệm vốn vật chất, ví dụ như công suất hoạt động, vốn được xem là công suất hiệu quả mà đơn vị dựa vào, ví dụ số lượng đầu ra trong một ngày.

5. Capital maintenance and Profit - Bảo toàn vốn và Lợi nhuận

Các khái niệm về vốn dẫn đến các khái niệm sau về bảo toàn vốn:

(a) Bảo toàn vốn tài chính. Theo khái niệm này, lợi nhuận có được chỉ khi giá trị tài chính (hay tiền tệ) của tài sản thuần ở cuối kỳ vượt giá trị tài chính (hay tiền tệ) của tài sản thuần ở đầu kỳ, sau khi đã trừ đi các khoản phân phối cho, và đóng góp từ, chủ sở hữu trong kỳ. Bảo toàn vốn tài chính có thể xác định về giá trị theo đơn vị tiền tệ danh nghĩa hay đơn vị sức mua cố định.

(b) Bảo toàn vốn vật chất. Theo khái niệm này, lợi nhuận có được chỉ khi công suất sản xuất hiệu quả (hay công suất hoạt động) của đơn vị (hoặc nguồn lực hay các quỹ cần để đạt được công suất đó) ở cuối kỳ vượt công suất sản xuất hiệu quả ở đầu kỳ, sau khi trừ đi các phân phối cho, và đóng góp từ, cổ đông trong kỳ.

IFRS - Khung Khái Niệm Cho Báo Cáo Tài Chính - Conceptual Frame work

III. Khung khái niệm báo cáo tài chính (PHẦN 3)

1. Economic resources and claims - Các nguồn lực kinh tế và nguồn vốn (tạm dịch claims là nguồn vốn)

Thông tin về bản chất và qui mô các nguồn lực kinh tế và nguồn vốn của đơn vị báo cáo có thể giúp người sử dụng nhận định về thế mạnh và điểm yếu về tài chính của đơn vị báo cáo. Các thông tin đó có thể giúp người sử dụng đánh giá tính thanh khoản và khả năng trả nợ của đơn vị, nhu cầu cần được tài trợ thêm và khả năng thành công để có được nguồn tài trợ đó. Những thông tin đó cũng giúp người sử dụng đánh giá trách nhiệm điều hành của cấp quản lý đối với các nguồn lực kinh tế của đơn vị. Thông tin về thứ tự ưu tiên và yêu cầu thanh toán của nguồn vốn hiện tại giúp người sử dụng có thể dự đoán dòng tiền tương lai sẽ được phân phối như thế nào khi sử dụng các nguồn vốn của đơn vị báo cáo.

2. General purpose financial statements - Báo cáo tài chính vì mục đích chung

Theo Khung khái niệm, Báo cáo tài chính vì mục đích chung được hiểu rằng Báo cáo tài chính phải đáp ứng các yêu cầu chung và cung cấp thông tin hữu ích cho tất cả các đối tượng sử dụng Báo cáo tài chính chứ không phải chỉ cho một nhóm đối tượng cụ thể nào đó như cơ quan thuế hay Ban giám đốc. Nói cách khác, lãi hay lỗ trên Báo cáo tài chính phải là trung thực và khách quan, không thể phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của Ban giám đốc; Lợi nhuận kế toán trước thuế cũng không phụ thuộc vào doanh thu tính thuế và chi phí được trừ phát sinh trong kỳ là bao nhiêu mà phải được xác định theo nguyên tắc của Chuẩn mực kế toán.

3. Reporting entity and Unit of account - Đơn vị báo cáo và đơn vị ghi sổ (đơn vị kế toán).

Đơn vị báo cáo là đơn vị phải lập Báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật hoặc tự nguyện Báo cáo tài chính. Đơn vị báo cáo có thể là đơn vị riêng biệt, một phần của đơn vị riêng biệt hay có thể bao gồm nhiều đơn vị riêng biệt (Báo cáo tài chính hợp nhất). Đơn vị báo cáo không nhất thiết có tư cách pháp nhân.
Đơn vị ghi sổ là quyền hay nhóm các quyền, nghĩa vụ hay nhóm các nghĩa vụ, hay nhóm các quyền và nghĩa vụ mà tiêu chí ghi nhận và khái niệm xác định giá trị được áp dụng.

4. Fundamental qualitative characteristics - Các đặc điểm định tính cơ bản

Theo Framework, các đặc điểm định tính cơ bản, gồm:
- Relevance: Thích hợp
- Faithful representation: Trình bày trung thực (xem xét cả tính trọng yếu - Materiality)

Theo Framework, các đặc điểm định tính nâng cao, gồm:
- Comparability: Khả năng so sánh
- Verifiability: Khả năng kiểm chứng
- Timeliness: Kịp thời
- Understandability: Dễ hiểu

5. Cost constraint - Rào cản chi phí

Khung khái niệm đề cập tới rào cản chi phí để nói về các chi phí bỏ ra để cung cấp thông tin trên Báo cáo tài chính và lợi ích thu được từ việc cung cấp thông tin đó có đáng hay không. Vấn đề rào cản chi phí được IASB xem xét dưới góc độ so sánh tổng thể lợi ích của việc cung thông tin cho công chúng chứ không phải ở từng đơn vị cụ thể.

Tham khảo các khóa học IFRS tại Kế toán Lê Ánh:

Khóa học CertIFR Online

Khóa học chuyển đổi BCTC từ VAS sang IFRS

Khóa học DipIFR Online