Quy định về hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trong thị trường nội địa
Hàng hóa nhập khẩu được lưu thông trên thị trường nội địa phải trải qua các khâu kiểm tra, kiểm định nghiêm ngặt của cơ quan chức năng. Doanh nghiệp kinh doanh hàng nhập khẩu cần nắm được những quy định về hóa đơn, chứng từ, thời hạn xuất trình hóa đơn, chứng từ hay những quy định về xử lý vi phạm có liên quan.
Trong bài viết này, Kế toán Lê Ánh sẽ thông tin đến các bạn "Quy định về hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trong thị trường nội địa" theo quy định mới nhất
Căn cứ pháp lý: Thông tư liên tịch 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP Quy định chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường được ban hành ngày 8/5/2015 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2015
Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường là gì?
Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường nội địa bao gồm hàng hóa nhập khẩu trên đường vận chuyển; đang bày bán; để tại kho, bến, bãi, tại cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc địa điểm khác.
Lưu ý: Một số hàng nhập khẩu cũng đang trong thời gian chờ vận chuyển hoặc đang để tại một địa điểm khác nhưng không thuộc loại hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường:
- Hàng hoá tạm nhập - tái xuất, hàng hoá tạm xuất - tái nhập;
- Hàng hoá nhập khẩu để thực hiện các dự án đầu tư;
- Hàng hoá là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để thực hiện các hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài;
- Hàng hoá nhập khẩu chuyển cửa khẩu;
- Hàng hoá chuyển cảng;
- Hàng quá cảnh đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan,…
Quy định về hóa đơn, chứng từ với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường
Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường cần có hóa đơn, chứng từ được quy định rõ tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 64/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2015, cụ thể như sau:
1. Hàng hóa của cơ sở sản xuất, kinh doanh trực tiếp nhập khẩu
Hàng hóa được trực tiếp nhập khẩu khi bày bán tại các cửa hàng hoặc lưu kho thì phải có:
- Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ (đối với trường hợp cửa hàng hạch toán phụ thuộc cùng địa bàn tỉnh, thành phố).
- Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ hoặc hóa đơn (đối với trường hợp cửa hàng hạch toán độc lập hoặc không cùng địa bàn với trụ sở chính).
- Phiếu nhập kho (đối với trường hợp hàng hóa lưu kho)
Quy định về hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trong thị trường nội địa
2. Hàng hóa nhập khẩu của cơ sở sản xuất, kinh doanh không trực tiếp nhập khẩu vận chuyển, bày bán hoặc lưu kho
Đới với loại hàng hóa này, doanh nghiệp cần chuẩn bị hóa đơn, chứng từ của cơ sở bán hàng theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
3. Hàng hóa được cơ sở sản xuất, kinh doanh điều chuyển cho các cơ sở hạch toán phụ thuộc
Nếu hàng hóa nhập khẩu được cơ sở sản xuất, kinh doanh điều chuyển cho các cơ sở hạch toán phụ thuộc (chi nhánh, cửa hàng, cửa hiệu; xuất trả hàng từ đơn vị phụ thuộc về cơ sở kinh doanh; xuất hàng đi chào hàng; xuất hàng tham gia hội chợ, triển lãm) thì phải có hóa đơn hoặc Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo Lệnh điều động.
4. Hàng hóa là sản phẩm gia công hoàn chỉnh nhập khẩu tại chỗ
Hàng hóa là sản phẩm gia công hoàn chỉnh nhập khẩu tại chỗ; nguyên, phụ liệu của các hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài hoặc các hợp đồng nhập nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu được phép tiêu thụ tại thị trường Việt Nam thì hóa đơn, chứng từ thực hiện như sau:
- Nếu cơ sở sản xuất, gia công hàng xuất khẩu vận chuyển, lưu kho và bày bán tại cửa hàng cùng địa bàn phải có bản sao tờ khai hải quan hàng nhập khẩu và Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ;
- Nếu cơ sở sản xuất, gia công hàng xuất khẩu vận chuyển, lưu kho và bày bán tại cửa hàng trực thuộc khác địa bàn hoặc cửa hàng trực thuộc cùng địa bàn hạch toán độc lập thì phải có bản sao tờ khai hải quan hàng nhập khẩu và Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ hoặc hóa đơn theo quy định;
- Nếu cơ sở sản xuất, gia công hàng xuất khẩu bán cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác thì phải có hóa đơn theo quy định. Đối với nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu phục vụ hợp đồng gia công, sản phẩm gia công bán vào nội địa theo chỉ định của đối tác thuê gia công thì phải có tờ khai hải quan đã xác nhận thông quan theo quy định.
5. Cơ sở sản xuất, gia công hàng xuất khẩu vận chuyển bán thành phẩm, nguyên, nhiên, vật liệu để gia công lại tại cơ sở gia công khác
Với hàng hóa này thì phải có Hợp đồng gia công lại kèm theo Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ và Lệnh điều động.
6. Hàng hóa nhập khẩu mua của cơ quan có chức năng bán hàng tịch thu: Với loại hàng hóa này thì phải có hóa đơn do cơ quan có chức năng bán hàng tịch thu lập trong đó ghi rõ số lượng, chủng loại, giá trị từng loại hàng hóa.
7. Hàng hóa nhập khẩu mua của cơ quan Dự trữ quốc gia: Với hàng hóa này thì phải có hóa đơn bán hàng của cơ quan Dự trữ quốc gia.
8. Hàng hóa là quà biếu, quà tặng miễn thuế; hàng hóa miễn thuế bán trong các khu kinh tế cửa khẩu
Loại hàng hóa nhập khẩu này nếu thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa thì khi lưu thông trên thị trường cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có chứng từ chứng minh hàng hóa đã được kê khai, bản chính biên lai thu thuế nhập khẩu
Quy định hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trong thị trường nội địa
Thời hạn xuất hóa đơn, chứng từ đối với hàn hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường nội địa
Hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển, để tại kho, bến, bãi mà chưa thuộc quyền sở hữu, sử dụng của đơn vị nào thuộc Danh mục hàng nhập khẩu có điều kiện theo quy định của pháp luật liên quan thì phải xuất trình được hóa đơn, chứng từ để chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa ngay tại thời điểm cơ quan kiểm tra yêu cầu.
+ Cũng trong trường hợp này nếu không có đại diện trực tiếp chuyển hàng thì phải ủy quyền cho người nhận hoặc người điều khiển phương tiện vận chuyển. Tại thời điểm kiểm tra nếu không xuất trình được hóa đơn, chứng từ thì cơ quan kiểm tra hàng hóa có quyền tạm giữ hàng hóa chờ xác minh.
Hàng hóa nhập khẩu đang bày bán, để tại kho, bến, bãi thuộc quyền sở hữu, sử dụng của đơn vị kinh doanh thì trong 72 giờ kể từ thời điểm kiểm tra hàng hóa, đơn vị đó phải xuất trình hóa đơn, chứng từ để chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Ngoài ra, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh nếu không xuất trình được hóa đơn, chứng từ trong thời gian quy định; hóa đơn, chứng từ giả, chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng hoặc lập khống hóa đơn với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn, chứng từ.
Trên đây Kế toán Lê Ánh đã thông tin đến các bạn những quy định về hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường nội địa, là tổng hợp được từ các văn bản quy định của pháp luật. Hy vọng thông tin trên sẽ giúp bạn và doanh nghiệp tránh được những rắc rối về pháp luật trong hoạt động kinh doanh.
Để hiểu rõ và nắm bắt được đầy đủ và chính xác các nghiệp vụ kế toán trong doanh nghiệp cần làm bạn sẽ có trong khóa học kế toán tổng hợp. Rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn hữu ích sẽ được chính các Kế toán trưởng giỏi truyền đạt cho các bạn trong khóa học này.
Kế toán Lê Ánh chúc bạn thành công!