Đặc điểm hoạt động xây dựng và quy định kế toán

Trong bài viết trước Kế toán Lê Ánh đã thông tin tới bạn đọc Doanh thu, chi phí hợp đồng xây dựng theo quy định của Việt Nam. Tiếp theo đây là đặc điểm hoạt động xây dựng và quy định kế toán

1. Đặc điểm hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng

Đặc điểm hoạt động xây dựng:

  • Nhà thầu thực hiện các hợp đồng xây dựng khi đã ký với khách hàng sau khi trúng thầu hoặc được chỉ định thầu
  • Nhà thầu thi công xây dựng công trình với đặc điểm, tiêu chuẩn kỹ thuật riêng biệt đã được xác định cụ thể, chi tiết trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã duyệt.
  • Giá trị dự toán có thể được lập cho từng công trình, khối lượng xây dựng hoàn thành
  • Kỳ tính giá thành tùy thuộc phương thức thanh toán được thỏa thuận giữa nhà thầu và khách hàng trong hợp đồng xây dựng
  • Sản phẩm xây dựng cố định tại nơi sản xuất
  • Nhà thầu có thể tổ chức thêm bộ phận xây dựng phụ, bộ phận sản xuất phụ

Nhà thầu thực hiện các hợp đồng xây dựng đã ký với khách hàng sau khi trúng thầu hoặc được chỉ định thầu, trong dó hai bên đã xác định thống nhất với nhau về giá trị thanh toán của công trình cùng với các điều kiện khác. Việc bàn giao công trình, hạng mục công trình… hoàn thành cho khách hàng chính là quá trình tiêu thụ sản phẩm xây dựng.

Khóa học kế toán xây dựng

Trong ngành xây dựng, việc thi công xây dựng công trình với đặc điểm, tiêu chuẩn kỹ thuật riêng biệt đã được xác định, cụ thể, chi tiết trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã duyệt. Nhà thầu phải chịu trách nhiệm trước khách hàng về kỹ thuật, về chất lượng xây dựng công trình. Nhà thầu phải có bộ phận kiểm tra kỹ thuật và chất lượng để thực hiện công tác quản lý kỹ thuật và chất lượng xây dựng công trình theo thiết kế được duyệt nhằm đảm bảo thời gian sử dụng lâu dài của sản phẩm xây dựng.

Sản phẩm xây dựng là những công trình, vật kiến trúc,... có quy mô lớn, kết cấu phức tạp, mang tính chất đơn chiếc, thời gian xây dựng dài nên giá trị dự toán có thể được lập cho từng công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng hoàn thành và kỳ tính giá sản phẩm xây dựng không được xác định hàng tháng như các đơn vị sản xuất công nghiệp và tùy thuộc phương thức thanh toán được thỏa thuận giữa nhà thầu và khách hàng trong hợp đồng xây dựng.

Sản phẩm xây dựng cố định tại nơi sản xuất còn các điều kiện cần thiết sản xuất như các loại xe máy, thiết bị, nhân công.... phải điều chuyển theo địa điểm thi công. Mặt khác việc xây dựng còn chịu tác động của địa chất công trình, điều kiện thời tiết, khí hậu của từng địa phương… đòi hỏi nhà thầu phải lưu ý đến kỹ thuật thi công, tiến độ thi công và công tác quản lý, điều chuyển và sử dụng tài sản, vật tư cho việc xây dựng công trình.

Trong các doanh nghiệp xây dựng, ngoài bộ phận thi công xây dựng chính đảm nhiệm việc thực hiện các hợp đồng đã ký với khách hàng, còn có thể tổ chức các bộ phận sản xuất khác như: Bộ phận xây dựng phụ, bộ phận sản xuất phụ để phục vụ cho hoạt động xây dựng chính và tăng thêm thu nhập cho doanh nghiệp

Đặc điểm hoạt động xây dựng

Đặc điểm hoạt động xây dựng

2. Đặc điểm kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm xây dựng

Việc tổ chức công tác kế toán trong các doanh nghiệp xây dựng phải đảm bảo các yêu cầu kế toán nói chung trong một đơn vị sản xuất ghi chép, tính toán phản ánh đầy đủ chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm; xác định hiệu quả từng phần và toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mặt khác phải phù hợp với đặc điểm của hoạt động nhận thầu xây dựng.

Đặc điểm của hoạt động nhận thầu xây dựng ảnh hưởng đến việc tổ chức công tác kế toán ở các doanh nghiệp xây dựng thể hiện chủ yếu ở nội dung, phương pháp tập hợp, phân loại chi phí và cấu tạo giá thành sản phẩm xây dựng. Cụ thể như sau:

  • Đối tượng tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành là từng hợp đồng xây dựng cụ thể, trong đó có thể kết hợp hạch toán chi phí sản xuất theo từng công trình, hạng mục công trình hay từng giai đoạn công việc nhằm quản lý chặt chẽ chi phí sản xuất kinh doanh.
  • Phương pháp tập hợp chi phí: Tùy theo điều kiện cụ thể, có thể vận dụng các phương pháp: Tập hợp chi phí theo từng hợp đồng, từng sản phẩm hay nhóm sản phẩm hay các giai đoạn, khối lượng công tác xây dựng có giá trị dự toán riêng.
  • Phương pháp tính giá thành thường dùng là phương pháp trực tiếp, kết hợp với phương pháp hệ số hoặc tỉ lệ, phương pháp tổng cộng chi phí
  • Cấu tạo giá thành sản phẩm xây dựng: Xuất phát từ đặc điểm của phương pháp lập dự toán trong xây dựng cơ bản. Dự toán được lập theo từng công trình, hạng mục công trình và được phân tích theo từng khoản mục chi phí. Để có thể so sánh, kiểm tra chi phí sản xuất xây dựng thực tế phát sinh so với dự toán, chi phí sản xuất xây dựng được phân loại theo các khoản mục như sau:

- Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp

- Chi phí nhân công trực tiếp

- Chi phí sử dụng máy thi công

- Chi phí sản xuất chung

  • Giá thành sản phẩm xây dựng: Là toàn bộ chi phí thực tế phải bỏ ra để hoàn thành khối lượng sản phẩm xây dựng. Sản phẩm xây dựng có thể là khối lượng công việc, hoặc giai đoạn công việc, có thiết kế và giá trị dự toán riêng hoặc là hạng mục công trình, công trình hay hợp đồng xây dựng đã hoàn thành toàn bộ

Trong sản xuất xây dựng cần phân biệt giá trị dự toán và các loại giá thành: Giá thành dự toán; giá thành kế hoạch và giá thành thực tế.

  • Giá trị dự toán: là giá trị sản phẩm xây dựng được xây dựng trên cơ sở thiết kế kỹ thuật đã được duyệt, các định mức kinh tế kỹ thuật do Nhà nước quy định, tính theo đơn giá tổng hợp cho từng khu vực thi công và phần lợi nhuận định mức của nhà thầu (giá trị dự toán có thuế sẽ cộng thêm thuế GTGT).
  • Giá thành dự toán là toàn bộ các chi phí trực tiếp, gián tiếp tạo nên sản phẩm xây dựng tính theo đơn giá tổng hợp cho từng khu vực và theo các định mức kinh tế kỹ thuật do Nhà nước ban hành để xây dựng công trình.

Giá thành dự toán = Giá trị dự toán - Lãi định mức - Thuế GTGT

Lãi định mức trong xây dựng cơ bản được Nhà nước xác định trong từng thời kỳ

  • Giá thành kế toán là giá thành được tính toán từ những điều kiện cụ thể của nhà thầu về biện pháp thi công, các định mức và đơn giá áp dụng trong doanh nghiệp
  • Giá thành thực tế: Toàn bộ chi phí thực tế đã bỏ ra để hoàn thành công tác xây dựng và được xác định theo số liệu kế toán.

Trên đây kế toán Lê Ánh đã chia sẻ những quy định về đặc điểm hoạt động xây dựng và quy định kế toán. Để hiểu hơn về những quy định và kế toán hoạt động xây dựng bạn đọc có thể tham khảo các bài viết trên ketoanleanh.edu.vn hoặc đăng ký các lớp học kế toán thực tế tại kế toán Lê Ánh.

Tham khảo: Khóa Học Kế Toán Xây Dựng - Kế Toán Lê Ánh