Doanh thu, chi phí hợp đồng xây dựng theo quy định của Việt Nam

Kế toán hoạt động xây dựng cần nắm rõ đặc điểm hoạt động xây dựng, từ đó mới có thể tổ chức tốt việc ghi nhận doanh thu - chi phí trong doanh nghiệp. Trong bài viết dưới đây Kế toán Lê Ánh sẽ trình bày doanh thu, chi phí hợp đồng xây dựng theo quy định của Việt Nam

Căn cứ pháp lý về kế toán:

  • Chuẩn mực kế toán số 15 (VAS 15): Hợp đồng xây dựng
  • Thông tư 200/2014/TT-BTC (Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp)
  • Thông tư 133/2016/TT-BTC (Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa)

Lưu ý: Đối với hoạt động xây dựng tổ chức kế toán hàng tồn kho chỉ áp dụng phương pháp kê khai thường xuyên (không áp dụng phương pháp kiểm kê định kỳ).

1. Ghi nhận doanh thu, chi phí của các hoạt động xây dựng

  • Hợp đồng xây dựng với giá cố định: Là hợp đồng xây dựng trong đó nhà thầu chấp thuận một mức giá cố định cho toàn bộ hợp đồng hoặc một đơn giá cố định trên đơn vị sản phẩm hoàn thành. Trong một số trường hợp khi giá cả tăng lên, mức giá đó có thể thay đổi phụ thuộc vào điều khoản ghi trong hợp đồng.
  • Hợp đồng xây dựng với chi phí phụ thêm: Là hợp đồng xây dựng trong đó nhà thầu được hoàn lại các chi phí thực tế được phép thanh toán, cộng thêm một khoản được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên những chi phí này hoặc được tính thêm một khoản phí cố định.

Như vậy việc xác định doanh thu của hợp đồng xây dựng sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố không chắc chắn, tùy thuộc vào các sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai. Việc ước tính thường phải được sửa đổi khi các sự kiện đó phát sinh và những yếu tố không chắc chắn được giải quyết. Do đó, doanh thu của hợp đồng xây dựng có thể tăng, giảm ở từng thời kỳ.

2. Quy định ghi nhận và xác định doanh thu của hợp đồng xây dựng

Doanh thu hợp đồng xây dựng

Doanh thu hợp đồng xây dựng bao gồm:

a. Doanh thu ban đầu được ghi nhận trong hợp đồng

b. Các khoản tăng, giảm khi thực hiện hợp đồng, các khoản tiền thưởng và các khoản thanh toán khác nếu các khoản này có khả năng làm thay đổi doanh thu, và có thể xác định được một cách đáng tin cậy.

- Doanh thu của hợp đồng có thể tăng, giảm trong thời gian thực hiện hợp đồng

Ví dụ: Nhà thầu và khách hàng có thể đồng ý với nhau về các thay đổi, các yêu cầu (về thiết kế, về khối lượng, về vật liệu....) làm tăng hoặc giảm doanh thu của hợp đồng trong thời kỳ tiếp theo so với hợp đồng được chấp thuận lần đầu tiên;

Doanh thu đã được thỏa thuận trong hợp đồng với giá cố định có thể tăng vì lý do giá cả tăng lên;

Doanh thu theo hợp đồng có thể bị giảm do nhà thầu không thực hiện đúng tiến độ hoặc không đảm bảo chất lượng xây dựng theo thỏa thuận trong hợp đồng;

Khi hợp đồng với giá cố định quy định mức giá cố định cho một đơn vị sản phẩm hoàn thành thì doanh thu theo hợp đồng sẽ tăng hoặc giảm khi khối lượng sản phẩm tăng hoặc giảm.

- Khoản tiền thưởng là khoản phụ thêm trả cho nhà thầu nếu nhà thầu thực hiện hợp đồng đạt hay vượt mức yêu cầu. Khoản tiền thưởng được tính vào doanh thu của hợp đồng xây dựng khi: Chắc chắn đạt hoặc vượt mức một số tiêu chuẩn cụ thể đã được ghi trong hợp đồng; và được xác định một cách đáng tin cậy.

- Một khoản thanh toán khác mà nhà thầu thu được từ khách hàng hay một bên khác để bù đắp cho các chi phí không bao gồm trong giá hợp đồng

Ví dụ: Sự chậm trễ do khách hàng gây nên; sai sót trong các chỉ tiêu kỹ thuật hoặc thiết kế và các tranh chấp về các thay đổi trong việc thực hiện hợp đồng. Việc xác định doanh thu tăng thêm từ các khoản thanh toán trên còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố không chắc chắn và thường phụ thuộc vào kết quả của nhiều cuộc đàm phán. Do đó, các khoản thanh toán khác chỉ được tính vào doanh thu của hợp đồng xây dựng khi: 

i. Các cuộc thỏa thuận đã đạt được kết quả là khách hàng sẽ chấp thuận bồi dưỡng;

ii. Khoản thanh toán khác được khách hàng chấp nhận và có thể xác định được một cách đáng tin cậy.

Doanh thu - Chi phí hợp đồng xây dựng theo quy định Việt Nam

Doanh thu - Chi phí hợp đồng xây dựng theo quy định Việt Nam

3. Ghi nhận doanh thu của hợp đồng xây dựng

a. Trường hợp hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo tiến độ kế hoạch, trong trường hợp này, kết quả thực hiện hợp đồng xây dựng được ước tính một cách đáng tin cậy, do vậy doanh thu và chi phí của hợp đồng xây dựng được ghi nhận tương ứng với phần công việc đã hoàn thành do nhà thầu tự xác định vào ngày lập báo cáo tài chính mà không phụ thuộc vào hóa đơn thanh toán theo tiến độ kế hoạch đã lập hay chưa và số tiền ghi trên hóa đơn là bao nhiêu

b. Trường hợp hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo giá trị khối lượng thực hiện, được khách hàng xác nhận thì nhà thầu phải căn cứ vào phương pháp tính toán thích hợp để xác định giá trị khối lượng xây dựng hoàn thành trong kỳ.

Khi kết quả thực hiện hợp đồng xây dựng được xác định một cách đáng tin cậy và được khách hàng xác nhận, kế toán phải lập hóa đơn gửi cho khách hàng và phản ánh doanh thu và nợ phải thu trong kỳ tương ứng với phần công việc đã hoàn thành được khách hàng xác nhận.

4. Chi phí hợp đồng xây dựng

a. Chi phí liên quan trực tiếp đến từng hợp đồng bao gồm:

  • Chi phí nhân công tại công trường, bao gồm cả chi phí giám sát công trình
  • Chi phí nguyên vật liệu bao gồm cả thiết bị cho công trình
  • Khấu hao máy móc thiết bị và các TSCĐ khác sử dụng để thực hiện hợp đồng.
  • Chi phí vận chuyển, lắp đặt, tháo dỡ máy móc thiết bị và nguyên vật liệu đến và đi khỏi công trình.
  • Chi phí thuê nhà xưởng, máy móc thiết bị để thực hiện hợp đồng.
  • Chi phí thiết kế và trợ giúp kỹ thuật liên quan trực tiếp đến hợp đồng.
  • Chi phí dự tính để sửa chữa và bảo hành công trình.
  • Các chi phí liên quan trực tiếp

Chi phí liên quan trực tiếp đến từng hợp đồng có thể được giảm khi có các khoản thu khác không bao gồm trong doanh thu của hợp đồng. 

Ví dụ: Các khoản thu từ việc bán nguyên, vật liệu thừa và thanh lý máy móc, thiết bị xây dựng khi kết thúc hợp đồng…

b. Chi phí chung liên quan đến hoạt động của các hợp đồng và có thể phân bổ cho từng hợp đồng, bao gồm:

  • Chi phí bảo hiểm
  • Chi phí thiết kế và trợ giúp kỹ thuật không liên quan trực tiếp đến một hợp đồng cụ thể 
  • Chi phí quản lý chung trong xây dựng
  • Các chi phí khi vay nếu thỏa thuận các điều kiện chi phí đi vay được vốn hóa quy định trong chuẩn mực chi phí đi vay.

Các chi phí trên được phân bổ theo các phương pháp thích hợp một cách có hệ thống, theo tỷ lệ hợp lý và thống nhất cho tất cả các chi phí có đặc điểm tương tự. Việc phân bôt cần dựa trên mức thông thường của hoạt động xây dựng.

c. Các chi phí khác có thể thu lại từ khách hàng theo các điều khoản của hợp đồng như chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí triển khai… mà khách hàng phải trả lại cho nhà thầu đã được quy định trong hợp đồng xây dựng

Chi phí không liên quan đến hoạt động của hợp đồng hoặc không thể phân bổ cho hợp lý hợp đồng đây dựng thì không được tính trong chi phí của hợp đồng xây dựng. Các chi phí này bao gồm:

  • Chi phí quản lý hành chính chung, hoặc chi phí nghiên cứu, triển khai mà hợp đồng không quy định khách hàng phải trả cho nhà thầu;
  • Chi phí bán hàng
  • Khấu hao máy móc, thiết bị và TSCĐ khác không sử dụng cho hợp đồng.

Trên đây kế toán Lê Ánh đã chia sẻ những quy định về doanh thu, chi phí hợp đồng xây dựng theo quy định của Việt Nam. Để hiểu hơn về những quy định và kế toán hoạt động xây dựng bạn đọc có thể tham khảo các bài viết trên ketoanleanh.edu.vn hoặc đăng ký các lớp học kế toán thực tế tại kế toán Lê Ánh.

Xem thêm: Kế toán dịch vụ khách sạn