IFRS 15 - Doanh Thu Từ Hợp Đồng Với Khách Hàng: Cách Áp Dụng
Trong bối cảnh hội nhập tài chính toàn cầu, việc tuân thủ các chuẩn mực kế toán quốc tế không còn là lựa chọn, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với nhiều doanh nghiệp. Một trong những chuẩn mực gây tác động sâu rộng nhất đến báo cáo tài chính chính là IFRS 15 – doanh thu từ hợp đồng với khách hàng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và kế toán viên tại Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc hiểu và triển khai chuẩn mực này một cách đúng đắn. Vậy cách áp dụng IFRS 15 trong thực tiễn cần bắt đầu từ đâu? Bài viết này Kế toán Lê Ánh sẽ giúp bạn tiếp cận chuẩn mực một cách hệ thống, dễ hiểu và sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Mục lục
I. Giới thiệu chung về IFRS 15
1. IFRS 15 là gì?
IFRS 15 – Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng (Revenue from Contracts with Customers) là một chuẩn mực kế toán quốc tế được ban hành bởi Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB) vào tháng 5 năm 2014 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Chuẩn mực này thay thế cho các chuẩn mực trước đó như IAS 18 (Doanh thu), IAS 11 (Hợp đồng xây dựng), và một số hướng dẫn liên quan khác .
IFRS 15 thiết lập một mô hình ghi nhận doanh thu thống nhất, áp dụng cho tất cả các hợp đồng với khách hàng, nhằm đảm bảo rằng doanh thu được ghi nhận một cách nhất quán và phản ánh đúng bản chất kinh tế của giao dịch.
2. Mục tiêu và phạm vi áp dụng của IFRS 15
Mục tiêu của IFRS 15 là cung cấp một khuôn khổ toàn diện để doanh nghiệp ghi nhận doanh thu một cách chính xác, phản ánh bản chất kinh tế của giao dịch và cung cấp thông tin hữu ích cho người sử dụng báo cáo tài chính về bản chất, giá trị, thời điểm và tính không chắc chắn của doanh thu và dòng tiền từ hợp đồng với khách hàng .
Phạm vi áp dụng của IFRS 15 rất rộng, bao gồm hầu hết các hợp đồng với khách hàng, ngoại trừ:
- Hợp đồng thuê tài sản (theo IFRS 16)
- Hợp đồng bảo hiểm (theo IFRS 17)
- Công cụ tài chính và các hợp đồng tài chính khác (theo IFRS 9)
Giao dịch hợp tác không có bản chất là hợp đồng với khách hàng
3. So sánh nhanh giữa IFRS 15 và VAS hiện hành
Tiêu chí |
IFRS 15 |
VAS hiện hành |
Nguyên tắc ghi nhận doanh thu |
Dựa trên mô hình 5 bước, ghi nhận khi nghĩa vụ thực hiện được hoàn thành và quyền kiểm soát được chuyển giao. |
Ghi nhận khi rủi ro và lợi ích được chuyển giao, thường gắn với thời điểm giao hàng hoặc phát hành hóa đơn. |
Tư duy kế toán |
Ưu tiên bản chất kinh tế hơn hình thức pháp lý. |
Thường dựa vào hình thức pháp lý và quy định cụ thể. |
Xử lý doanh thu biến đổi |
Yêu cầu ước tính và điều chỉnh giá trị giao dịch dựa trên xác suất xảy ra. |
Thường không có hướng dẫn cụ thể hoặc xử lý đơn giản. |
Trình bày và thuyết minh |
Yêu cầu thuyết minh chi tiết về các nghĩa vụ thực hiện, thời điểm ghi nhận và các yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu. |
Trình bày đơn giản, ít yêu cầu thuyết minh chi tiết. |
II. Nguyên tắc cốt lõi của IFRS 15
IFRS 15 thiết lập một mô hình 5 bước để xác định thời điểm và giá trị doanh thu được ghi nhận từ các hợp đồng với khách hàng. Mục tiêu là doanh thu chỉ được ghi nhận khi nghĩa vụ chuyển giao hàng hóa hoặc dịch vụ đã hoàn tất và quyền kiểm soát được chuyển giao cho khách hàng. Mô hình này gồm các bước sau:
Bước 1: Xác định hợp đồng với khách hàng (Identify the contract)
Hợp đồng là thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều bên, tạo ra các quyền và nghĩa vụ thực thi được.
Một hợp đồng được áp dụng theo IFRS 15 nếu:
- Các bên đã phê duyệt và cam kết thực hiện nghĩa vụ.
- Có thể xác định quyền và nghĩa vụ của từng bên.
- Có thể xác định điều khoản thanh toán.
- Có bản chất thương mại.
- Có khả năng thu hồi được khoản thanh toán.
Bước 2: Xác định các nghĩa vụ thực hiện (Identify the performance obligations)
Nghĩa vụ thực hiện là lời hứa trong hợp đồng để chuyển giao một hoặc nhiều hàng hóa/dịch vụ riêng biệt cho khách hàng.
Một hàng hóa/dịch vụ được coi là riêng biệt nếu khách hàng có thể hưởng lợi độc lập và hàng hóa/dịch vụ đó có thể tách biệt rõ ràng trong ngữ cảnh hợp đồng.
Bước 3: Xác định giá trị giao dịch (Determine the transaction price)
Giá trị giao dịch là khoản tiền mà doanh nghiệp kỳ vọng sẽ nhận được để đổi lấy việc chuyển giao hàng hóa/dịch vụ.
Cần xem xét các yếu tố như:
- Giá trị biến đổi (variable consideration)
- Yếu tố tài chính đáng kể (significant financing component)
- Bên thứ ba trả hộ
- Thanh toán không bằng tiền
- Khoản thanh toán phải hoàn lại cho khách hàng
Bước 4: Phân bổ giá trị giao dịch (Allocate the transaction price)
Doanh nghiệp phải phân bổ giá trị giao dịch cho từng nghĩa vụ thực hiện dựa trên giá bán độc lập tương đối của từng hàng hóa/dịch vụ riêng biệt.
Nếu không có giá bán quan sát được, doanh nghiệp cần sử dụng phương pháp ước tính như:
- Phương pháp điều chỉnh thị trường.
- Phương pháp chi phí cộng lãi.
- Phương pháp phần dư/phần còn lại.
Bước 5: Ghi nhận doanh thu (Recognise revenue)
Doanh thu được ghi nhận khi (hoặc khi nào) doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ bằng cách chuyển giao quyền kiểm soát hàng hóa/dịch vụ cho khách hàng.
Việc ghi nhận có thể là:
- Theo thời điểm (point in time): khi khách hàng có quyền sở hữu, rủi ro và lợi ích.
- Theo thời gian (over time): nếu khách hàng nhận được và tiêu dùng lợi ích trong suốt quá trình thực hiện (ví dụ: dịch vụ tư vấn, xây dựng…).
III. Các khái niệm và yếu tố cần lưu ý khi áp dụng IFRS 15
Việc áp dụng IFRS 15 đòi hỏi không chỉ hiểu rõ mô hình 5 bước, mà còn phải đánh giá các yếu tố bổ sung phức tạp có thể ảnh hưởng đến cách ghi nhận doanh thu. Dưới đây là những khái niệm và tình huống đặc biệt doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý:
1. Doanh thu biến đổi (Variable Consideration)
Doanh thu biến đổi là phần giá trị giao dịch không cố định, phụ thuộc vào các yếu tố như chiết khấu, hoàn tiền, ưu đãi, thưởng hiệu suất, phạt vi phạm…Doanh nghiệp phải ước tính giá trị biến đổi bằng một trong hai phương pháp:
- Giá trị kỳ vọng (Expected Value): tổng trung bình có trọng số của tất cả các kết quả có thể xảy ra.
- Số tiền có khả năng xảy ra cao nhất (Most Likely Amount).
Tuy nhiên, IFRS 15 yêu cầu doanh nghiệp chỉ ghi nhận phần doanh thu biến đổi khi có khả năng cao sẽ không bị hoàn lại sau này – theo nguyên tắc "ràng buộc hạn chế" (constraint).
2. Yếu tố tài chính đáng kể (Significant Financing Component)
Nếu giữa thời điểm chuyển giao hàng hóa/dịch vụ và thời điểm thanh toán có khoảng cách lớn (thường >12 tháng), doanh nghiệp phải đánh giá xem hợp đồng có yếu tố tài chính đáng kể không.
Nếu có, doanh nghiệp phải điều chỉnh giá trị giao dịch bằng cách chiết khấu (nếu trả chậm) hoặc ghi nhận chi phí tài chính (nếu nhận trước tiền từ khách hàng).
Yếu tố này giúp doanh thu ghi nhận phản ánh đúng giá trị hiện tại của hàng hóa/dịch vụ chuyển giao.
3. Hàng hóa/dịch vụ riêng biệt (Distinct Goods or Services)
Một nghĩa vụ thực hiện chỉ được coi là riêng biệt nếu khách hàng có thể hưởng lợi độc lập từ hàng hóa/dịch vụ đó, và nó không phụ thuộc vào các thành phần khác trong hợp đồng.
Ví dụ:
Dịch vụ bảo trì và phần mềm bản quyền có thể được tách riêng nếu khách hàng có thể sử dụng phần mềm ngay cả khi không dùng dịch vụ bảo trì.
Trái lại, một thiết bị y tế được tùy chỉnh riêng cho khách hàng thường sẽ không thể tách riêng lắp đặt và vận hành – đây là một nghĩa vụ tích hợp.

4. Chi phí thu được từ hợp đồng (Contract Costs)
IFRS 15 yêu cầu doanh nghiệp phải ghi nhận và phân loại hợp lý các chi phí liên quan đến việc thực hiện hợp đồng, gồm:
Chi phí thu được từ hợp đồng (incremental costs): ví dụ như hoa hồng bán hàng – được ghi nhận là tài sản nếu doanh nghiệp kỳ vọng sẽ thu hồi.
Chi phí thực hiện hợp đồng (costs to fulfil a contract): chỉ được ghi nhận nếu:
- Liên quan trực tiếp đến hợp đồng.
- Tạo ra tài nguyên được dùng để thực hiện hợp đồng trong tương lai.
- Có khả năng thu hồi.
5. Quyền hoàn trả sản phẩm (Right of Return)
Nếu khách hàng có quyền hoàn trả hàng hóa, IFRS 15 yêu cầu
Ghi nhận doanh thu thuần, loại trừ giá trị hàng hóa có khả năng bị hoàn trả.
Ghi nhận một nghĩa vụ hoàn trả (refund liability) và một tài sản tương ứng về quyền thu hồi hàng tồn kho (right to recover asset).
6. Bảo hành (Warranties)
Doanh nghiệp cần phân biệt giữa:
Bảo hành đảm bảo chất lượng (assurance-type warranty): không phải là một nghĩa vụ riêng biệt, ghi nhận như một chi phí bảo hành.
Bảo hành dịch vụ bổ sung (service-type warranty): được coi là một nghĩa vụ thực hiện riêng biệt, cần phân bổ giá trị giao dịch riêng và ghi nhận doanh thu theo thời gian.
7. Các hình thức điều chỉnh doanh thu khác
Non-cash consideration (thanh toán không bằng tiền): đo lường theo giá trị hợp lý tại thời điểm hợp đồng.
Consideration payable to a customer (khoản thanh toán cho khách hàng): trừ khỏi giá trị giao dịch trừ khi có dịch vụ riêng biệt nhận lại từ khách hàng.
>>> Xem thêm: Lộ Trình Học IFRS Hiệu Quả Cho Người Mới Bắt Đầu
IV. Ảnh hưởng thực tiễn khi áp dụng IFRS 15
Việc triển khai IFRS 15 – Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng không chỉ dừng lại ở thay đổi kỹ thuật kế toán, mà còn tạo ra những tác động sâu rộng tới hệ thống tài chính, hợp đồng kinh doanh, báo cáo quản trị và thậm chí cả văn hóa vận hành trong doanh nghiệp. Dưới đây là các ảnh hưởng thực tiễn mà doanh nghiệp cần chuẩn bị khi áp dụng IFRS 15:
1. Doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng nhiều nhất?
IFRS 15 áp dụng cho mọi lĩnh vực kinh doanh, nhưng có ảnh hưởng đặc biệt sâu sắc đến những ngành có:
- Giao dịch phức tạp, nhiều nghĩa vụ thực hiện (ví dụ: bán hàng kèm bảo hành, khuyến mãi, bảo trì…).
- Hợp đồng dài hạn, doanh thu phân kỳ (ví dụ: bất động sản, xây dựng, phần mềm, dịch vụ viễn thông).
- Doanh thu biến đổi: theo hiệu suất, sản lượng, chiết khấu linh hoạt.
- Giao hàng nhiều giai đoạn hoặc kết hợp hàng hóa và dịch vụ.
Ví dụ: ngành bất động sản thường phải xác định rõ thời điểm ghi nhận doanh thu – là khi bàn giao quyền kiểm soát tài sản, không còn chỉ dựa vào tỷ lệ hoàn thành như trước.
2. Thay đổi trong báo cáo tài chính và chỉ số kinh doanh
IFRS 15 không chỉ tác động đến thời điểm ghi nhận doanh thu, mà còn ảnh hưởng đến các chỉ số tài chính quan trọng, như:
- Doanh thu thuần (net revenue)
- Tỷ suất lợi nhuận gộp (gross margin)
- Lợi nhuận ròng
- Chỉ số EBITDA, ROE, ROA
Việc thay đổi thời điểm ghi nhận có thể khiến doanh nghiệp báo lãi sớm hơn hoặc muộn hơn, ảnh hưởng đến phân tích tài chính của nhà đầu tư hoặc ngân hàng.
Ngoài ra, IFRS 15 yêu cầu thuyết minh chi tiết hơn trong báo cáo tài chính, bao gồm:
- Phân tích doanh thu theo dòng sản phẩm, khu vực, hình thức chuyển giao.
- Mô tả các nghĩa vụ thực hiện và thời điểm hoàn thành.
- Giải thích các yếu tố biến động doanh thu và rủi ro đi kèm.
3. Tác động đến hệ thống kế toán và công nghệ thông tin
Doanh nghiệp cần nâng cấp phần mềm kế toán hoặc ERP để xử lý phân bổ doanh thu, ghi nhận doanh thu theo thời gian, tính giá trị biến đổi…
Hệ thống phải theo dõi nhiều nghĩa vụ thực hiện riêng biệt, thường không được hỗ trợ đầy đủ trong hệ thống kế toán truyền thống theo VAS.
Cần thiết lập các mẫu hợp đồng tiêu chuẩn mới để phù hợp với nguyên tắc ghi nhận của IFRS 15.
4. Tái cấu trúc hợp đồng và mô hình kinh doanh
Nội dung hợp đồng hiện tại có thể không còn phù hợp. Doanh nghiệp cần xem xét lại tất cả hợp đồng hiện hữu và tương lai, phân tích từng điều khoản có ảnh hưởng đến nghĩa vụ thực hiện và thời điểm ghi nhận doanh thu.
Có thể cần tái cấu trúc mô hình bán hàng, ví dụ:
- Tách riêng dịch vụ sau bán để ghi nhận riêng.
- Thiết kế lại gói khuyến mãi không làm trì hoãn doanh thu chính.
- Cẩn trọng với chính sách đổi trả hàng, chiết khấu trễ.
5. Tác động đến nội bộ và kiểm toán
Đào tạo kế toán và bộ phận kinh doanh là điều bắt buộc, vì việc xác định nghĩa vụ thực hiện thường cần sự phối hợp giữa kế toán – pháp lý – bán hàng.
Bộ phận kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập cần xây dựng quy trình kiểm tra doanh thu theo tiêu chí mới.
Doanh nghiệp phải có các chính sách kế toán mới, thay thế các chính sách theo VAS cũ không còn phù hợp.
V. Các tình huống thực tế khi áp dụng IFRS 15
Việc áp dụng IFRS 15 – Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng không chỉ là câu chuyện lý thuyết, mà thực sự đòi hỏi năng lực xử lý các tình huống đa dạng, phức tạp trong từng ngành nghề. Dưới đây là một số tình huống điển hình và bài học kinh nghiệm từ quá trình áp dụng IFRS 15 tại doanh nghiệp:
1. Ngành bất động sản: Khi nào được ghi nhận doanh thu?
Tình huống thực tế: Một doanh nghiệp bất động sản ký hợp đồng bán căn hộ chung cư hình thành trong tương lai, thanh toán theo tiến độ. Theo VAS, doanh thu thường được ghi nhận theo tỷ lệ hoàn thành.
Áp dụng IFRS 15:
Doanh thu chỉ được ghi nhận khi quyền kiểm soát tài sản được chuyển giao – thường là khi bàn giao căn hộ. Nếu người mua không kiểm soát tài sản trong quá trình xây dựng, thì doanh thu không thể ghi nhận theo tiến độ mà phải trì hoãn đến thời điểm bàn giao.
2. Ngành thương mại điện tử: Ghi nhận doanh thu với bên trung gia
Tình huống thực tế: Doanh nghiệp là sàn thương mại điện tử, trung gian giữa người bán và người mua, thu phí hoa hồng.
Áp dụng IFRS 15:
Doanh nghiệp phải xác định mình là bên chính (principal) hay bên trung gian (agent):
Nếu là principal → ghi nhận toàn bộ giá trị giao dịch.
Nếu là agent → chỉ ghi nhận khoản phí hoa hồng làm doanh thu.
3. Ngành dịch vụ: Doanh thu phân kỳ hay một lần?
Tình huống thực tế: Công ty phần mềm bán sản phẩm kèm theo gói bảo trì 12 tháng.
Áp dụng IFRS 15:
Phải tách phần mềm (nếu độc lập) và dịch vụ bảo trì thành 2 nghĩa vụ thực hiện riêng biệt:
- Ghi nhận doanh thu phần mềm khi chuyển giao bản quyền.
- Ghi nhận doanh thu dịch vụ theo thời gian trong 12 tháng.
4. Ngành sản xuất: Chiết khấu và quyền hoàn trả hàng hóa
Tình huống thực tế: Công ty sản xuất máy móc cung cấp chính sách hoàn trả hàng trong 30 ngày và có chương trình chiết khấu doanh số cuối năm.
Áp dụng IFRS 15:
Ghi nhận doanh thu trừ phần ước tính hàng sẽ bị hoàn (đồng thời ghi nhận nghĩa vụ hoàn trả và tài sản hàng tồn kho có thể thu hồi).
Phải ước tính khoản chiết khấu doanh số (doanh thu biến đổi) và chỉ ghi nhận phần có khả năng không bị điều chỉnh.
5. Bài học tổng hợp từ doanh nghiệp đã áp dụng IFRS 15
Phân tích hợp đồng là bước quan trọng nhất – không thể áp dụng IFRS 15 chỉ dựa vào kinh nghiệm kế toán VAS cũ.
Sự phối hợp đa phòng ban là yếu tố then chốt, đặc biệt giữa phòng kế toán, pháp lý và kinh doanh.
Chuẩn hóa hợp đồng, điều khoản thanh toán, khuyến mãi… giúp kiểm soát tốt rủi ro kế toán.
Đào tạo nội bộ, cập nhật phần mềm kế toán/ERP và viết lại chính sách kế toán là 3 hạng mục bắt buộc nếu muốn triển khai thành công.
Việc áp dụng IFRS 15 – Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng không đơn thuần là thay đổi cách ghi nhận doanh thu, mà còn là quá trình chuyển đổi tư duy kế toán theo hướng minh bạch, phản ánh đúng bản chất giao dịch kinh tế.
Trong thực tế, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, việc triển khai IFRS 15 có thể dẫn đến sai lệch trong báo cáo tài chính, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và niềm tin của nhà đầu tư. Do đó, để áp dụng hiệu quả, doanh nghiệp nên xây dựng lộ trình chuyển đổi rõ ràng, đào tạo đội ngũ kế toán – tài chính chuyên sâu và, nếu cần, tìm đến các khóa học IFRS thực hành nhằm đảm bảo tính tuân thủ và kiểm soát tốt rủi ro trong quá trình thực hiện.
>>> Tham khảo: KHÓA HỌC CHUYỂN ĐỔI BÁO CÁO TÀI CHÍNH TỪ VAS SANG IFRS
------------------------------
Kế Toán Lê Ánh - Nơi đào tạo kế toán thực hành uy tín nhất hiện nay, đã tổ chức thành công rất nhiều khóa học nguyên lý kế toán, khóa học kế toán tổng hợp, khóa học kế toán thuế cho người mới bắt đầu, khóa học kế toán quản trị, khóa học kế toán thuế chuyên sâu, khóa học phân tích tài chính doanh nghiệp, khóa học chứng chỉ kế toán trưởng, khóa học kế toán cho chủ doanh nghiệp... và hỗ trợ kết nối tuyển dụng cho hàng nghìn học viên.
Nếu như bạn muốn tham gia các khóa học kế toán online/offline của trung tâm Lê Ánh thì có thể liên hệ hotline tư vấn: 0904.84.8855/ Mrs Lê Ánh
Ngoài các khóa học kế toán thì trung tâm Lê Ánh còn cung cấp các khóa học hành chính nhân sự online/offline, khóa học xuất nhập khẩu TPHCM, Hà Nội, online chất lượng tốt nhất hiện nay.
Thực hiện bởi: KẾ TOÁN LÊ ÁNH - TRUNG TÂM ĐÀO TẠO KẾ TOÁN SỐ 1 VIỆT NAM