Công Văn 2921/ĐTTNG-QLDN: Hướng dẫn NNT lập hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP

Ngày 21/5/2025, Đội Thuế TP. Thái Nguyên ban hành Công văn số 2921/ĐTTNG-QLDN nhằm hướng dẫn cụ thể người nộp thuế (NNT) trong việc lập hóa đơn điện tử theo quy định mới tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020/NĐ-CP). Nội dung công văn đặc biệt nhấn mạnh việc ghi thông tin người mua trên hóa đơn, với nhiều điểm thay đổi mang tính bắt buộc.

Hướng Dẫn Lập Hóa Đơn Theo Nghị Định 70/2025: Nội Dung Mới Trong Công Văn 2921/ĐTTNG-QLDN

1. Người mua là tổ chức, cá nhân kinh doanh: Bắt buộc ghi đầy đủ thông tin

Theo khoản 7 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP, khi người mua là tổ chức, cá nhân kinh doanh, hóa đơn điện tử phải ghi đầy đủ các thông tin:

  • Tên người mua
  • Địa chỉ
  • Mã số thuế hoặc số định danh cá nhân (nếu có)

Việc ghi đúng, đủ thông tin là điều kiện để người mua được:

  • Hạch toán chi phí hợp pháp
  • Khấu trừ thuế GTGT
  • Kê khai thuế đầu vào

⇒ Kể cả trong trường hợp người mua không yêu cầu lấy hóa đơn, người bán vẫn phải ghi đầy đủ thông tin nếu xác định được người mua có hoạt động kinh doanh.

2. Không còn được phép ghi "khách lẻ không lấy hóa đơn" khi người mua có đăng ký kinh doanh

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp từng ghi "khách lẻ không lấy hóa đơn”" trong các giao dịch bán lẻ. Tuy nhiên, theo công văn 2921, nếu người mua là hộ/cá nhân kinh doanh, thì:

  • Dù không yêu cầu hóa đơn, 
  • Người bán vẫn phải ghi đầy đủ thông tin người mua

⇒ Cách làm cũ sẽ không còn phù hợp sau ngày 01/6/2025. Cơ quan thuế nhấn mạnh đây là bước tiến quan trọng trong việc siết chặt quản lý thuế đối với kinh doanh cá thể, hộ kinh doanh và giao dịch bán lẻ.

3. Đã ghi sai thông tin người mua trước đây: Cần điều chỉnh lại hóa đơn

Trường hợp doanh nghiệp đã lập hóa đơn với nội dung "khách lẻ không lấy hóa đơn”" nhưng người mua thực tế có đăng ký kinh doanh, thì đây là hóa đơn sai sót về thông tin người mua.

Cách xử lý được hướng dẫn tại Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP:

  • Nếu đã kê khai thuế: Lập hóa đơn điều chỉnh
  • Nếu chưa kê khai, hóa đơn chưa sử dụng: Lập hóa đơn thay thế
  • Người nộp thuế cần chủ động rà soát, điều chỉnh và lưu giữ hồ sơ phù hợp để tránh bị xử phạt về sau.

Khóa học kế toán thuế - Kế toán Lê Ánh

4. Cách xác định người mua có hoạt động kinh doanh hay không

Đây là điểm khó trong thực tiễn. Hiện chưa có cơ sở dữ liệu truy xuất tức thời, nên kế toán và nhân viên bán hàng cần:

- Dựa vào dấu hiệu nhận biết như:

  • Mua hàng thường xuyên, số lượng lớn
  • Có yêu cầu hóa đơn hoặc đề cập đến kế toán
  • Tên người mua trùng hoặc giống với tên hộ kinh doanh

- Giao tiếp khéo léo để xác minh và thu thập thông tin

Công văn lưu ý: Người bán có trách nhiệm chủ động thu thập thông tin khi có căn cứ cho thấy người mua là cá nhân kinh doanh.

5. Trường hợp người mua là cá nhân tiêu dùng cuối cùng

Nếu người mua không hoạt động kinh doanh, không sử dụng hóa đơn để kê khai thuế hay hạch toán chi phí, thì:

  • Không bắt buộc ghi đầy đủ mã số thuế, địa chỉ
  • Vẫn được phép lập hóa đơn hợp pháp, nếu ghi rõ nội dung hàng hóa, thuế suất, số tiền…

Ví dụ:

  • Cá nhân mua thực phẩm về dùng trong gia đình
  • Mua dịch vụ giải trí, du lịch cho mục đích cá nhân

Tuy nhiên, nếu người mua sẵn sàng cung cấp thông tin, người bán nên ghi nhận đầy đủ để tăng tính minh bạch và phòng ngừa rủi ro.

6. Tác động đến kế toán và doanh nghiệp

Nghị định 70/2025/NĐ-CP và công văn 2921 không chỉ là thay đổi về nghiệp vụ lập hóa đơn, mà còn ảnh hưởng đến:

  • Quy trình bán hàng
  • Cách xác minh khách hàng
  • Rủi ro về thuế nếu hóa đơn lập sai thông tin

Kế toán, thủ quỹ, nhân viên bán hàng cần được phổ biến kỹ nội dung mới để cập nhật kịp thời từ ngày 01/6/2025.

Công văn 2921/ĐTTNG-QLDN là văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng và có tính thực tiễn cao trong việc triển khai Nghị định 70/2025/NĐ-CP về hóa đơn điện tử. Người nộp thuế và doanh nghiệp cần:

  • Đọc kỹ quy định mới
  • Rà soát các giao dịch có nguy cơ sai sót
  • Điều chỉnh quy trình nội bộ để đảm bảo tuân thủ

- Tài liệu tham khảo: Công văn 2921/ĐTTNG-QLDN – Cục Thuế Thái Nguyên ban hành ngày 21/5/2025

- Hiệu lực: từ 01/6/2025 theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP

Tham khảo »»

Công Văn 2921/ĐTTNG-QLDN: Hướng dẫn NNT lập hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP

Chi Tiết Công Văn 2921/ĐTTNG-QLDN

CHI CỤC THUẾ KHU VỰC VII

ĐỘI THUẾ TP THÁI NGUYÊN 

Số: 2921/ĐTTNG-QLDN

V/v hướng dẫn NNT lập hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do - Hạnh phúc 


Thái Nguyên, ngày 21 tháng 05 năm 2025

Kính gửi: Các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn thành phố Thái Nguyên

Thực hiện Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ; Nghị định số 70/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Đội thuế thành phố Thái Nguyên thông tin và hướng dẫn Người nộp thuế trên địa bàn một số nội dung liên quan đến việc sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) như sau:

1. Căn cứ pháp lý về hóa đơn

1.1. Nguyên tắc lập hóa đơn

- Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định nguyên tắc lập hóa đơn, chứng từ như sau:

"Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ

1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lượng cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.”

- Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 1 Nghị định số 70/2025/NĐ-CP ngày 20/03/2025 của Chính phủ (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/06/2025) sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 như sau:

"Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ:
....3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 ... Điều 4 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 ... như sau:

1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và các trường hợp lập hóa đơn theo quy định tại Điều 19 Nghị định này. Hóa đơn phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này. Trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.””

1.2. Nội dung thông tin của người mua trên hóa đơn

Căn cứ Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ:

+ Tại khoản 5 Điều 10 quy định nội dung của hóa đơn như sau:

"Điều 10. Nội dung của hóa đơn

...5. Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua

a) Trường hợp người mua là cơ sở kinh doanh có mã số thuế thì tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua thể hiện trên hóa đơn phải ghi theo đúng tại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế, thông báo mã số thuế, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.

b) Trường hợp người mua không có mã số thuế thì trên hóa đơn không phải thể hiện mã số thuế người mua. Một số trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đặc thù cho người tiêu dùng là cá nhân quy định tại khoản 14 Điều này thì trên hóa đơn không phải thể hiện tên, địa chỉ người mua. Trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng nước ngoài đến Việt Nam thì thông tin về địa chỉ người mua có thể được thay bằng thông tin về số hộ chiếu hoặc giấy tờ xuất nhập cảnh và quốc tịch của khách hàng nước ngoài."

+ Tại điểm c khoản 14 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định một số trường hợp HĐĐT không nhất thiết có đầy đủ các nội dung như sau:

"14. Một số trường hợp hóa đơn điện tử không nhất thiết có đầy đủ các nội dung

c) Đối với hóa đơn điện tử bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại mà người mua là cá nhân không kinh doanh thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có tên, địa chỉ, mã số thuế người mua.
Đối với hóa đơn điện tử bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh thì không nhất thiết phải có các chỉ tiêu tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua; chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng."

- Căn cứ Nghị định số 70/2025/NĐ-CP ngày 20/03/2025 của Chính phủ (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/06/2025) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ- CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ:

+ Tại điểm a khoản 7 Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 như sau:

"Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ

...7. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 ... Điều 10 ... như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 như sau:

"5. Tên, địa chỉ, mã số thuế hoặc mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách hoặc số định danh cá nhân của người mua

a) Trường hợp người mua là cơ sở kinh doanh có mã số thuế thì tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua thể hiện trên hóa đơn phải ghi theo đúng tại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế, thông báo mã số thuế, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã; trường hợp người mua là đơn vị có quan hệ ngân sách thì tên, địa chỉ, mã số đơn vị có quan hệ ngân sách thể hiện trên hóa đơn phải ghi mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách được cấp.

b) Trường hợp người mua không có mã số thuế thì trên hóa đơn không phải thể hiện mã số thuế người mua. Một số trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đặc thù cho người tiêu dùng là cá nhân quy định tại khoản 14 Điều này thì trên hóa đơn không phải thể hiện tên, địa chỉ người mua. Trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng nước ngoài đến Việt Nam thì thông tin về địa chỉ người mua có thể được thay bằng thông tin về số hộ chiếu hoặc giấy tờ xuất nhập cảnh và quốc tịch của khách hàng nước ngoài. Trường hợp người mua cung cấp mã số thuế, số định danh cá nhân thì trên hóa đơn phải thể hiện mã số thuế, số định danh cá nhân.””

+ Tại điểm d khoản 7 Điều 1 sửa đổi, bổ sung c khoản 14 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 như sau:

"7. Sửa đổi, bổ sung ... điểm c khoản 14 Điều 10... như sau:

...d) Sửa đổi, bổ sung điểm c ... khoản 14 như sau:

“c) Đối với hóa đơn điện tử bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại mà người mua là cá nhân không kinh doanh thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có tên, địa chỉ, mã số thuế người mua, chữ ký số của người mua.

Đối với hóa đơn điện tử bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh thì không nhất thiết phải có các chỉ tiêu: Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký số của người mua.””

1.3. Xử lý hóa đơn có sai sót

- Căn cứ Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định thay thế, điều chỉnh HĐĐT như sau:

"Điều 19. Xử lý hóa đơn có sai sót

1. Trường hợp người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót thì người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này về việc hủy hóa đơn điện tử có mã đã lập có sai sót và lập hóa đơn điện tử mới, ký số gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập để gửi cho người mua. Cơ quan thuế thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã được cấp mã có sai sót lưu trên hệ thống của cơ quan thuế.

2. Trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua mà người mua hoặc người bán phát hiện có sai sót thì xử lý như sau:

a) Trường hợp có sai sót về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác không sai sót thì người bán thông báo cho người mua về việc hóa đơn có sai sót và không phải lập lại hóa đơn. Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế về hóa đơn điện tử có sai sót theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này, trừ trường hợp hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế có sai sót nêu trên chưa gửi dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế.

b) Trường hợp có sai: mã số thuế; sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn điện tử như sau:

b1) Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số ngày... tháng... năm”.

b2) Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày. tháng... năm”.

Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập có sai sót sau đó người bán gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cơ quan thuế để cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn điện tử mới để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế)...”

- Căn cứ khoản 13 Điều 1 Nghị định số 70/2025/NĐ-CP ngày 20/03/2025 của Chính phủ (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/06/2025) sửa đổi tên Điều 19 và sửa đổi, bổ sung Điều 19 như sau Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 như sau:

"Điều 19. Thay thế, điều chỉnh hóa đơn điện tử

1. Trường hợp phát hiện hóa đơn điện tử đã lập sai (bao gồm hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế, hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã gửi dữ liệu đến cơ quan thuế) thì người bán thực hiện xử lý như sau:

a) Trường hợp có sai về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác không sai thì người bán thông báo cho người mua về việc hóa đơn đã lập sai và không phải lập lại hóa đơn. Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế về hóa đơn điện tử đã lập sai theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Trường hợp có sai: mã số thuế; sai về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì có thể lựa chọn điều chỉnh hoặc thay thế hóa đơn điện tử như sau:

b.1) Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập sai.
Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập sai phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.

b.2) Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử lập sai.

Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập sai phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.

Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập sai sau đó người bán gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cơ quan thuế để cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn điện tử mới để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế).

Trường hợp trong tháng người bán đã lập sai cùng thông tin về người mua, tên hàng, đơn giả, thuế suất trên nhiều hóa đơn của cùng một người mua trong cùng tháng thì người bán được lập một hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế cho nhiều hóa đơn điện tử đã lập sai trong cùng tháng và đính kèm bảng kê các hóa đơn điện tử đã lập sai theo Mẫu số 01/BK- ĐCTT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này.

Trước khi điều chỉnh, thay thế hóa đơn điện tử đã lập sai theo quy định tại điểm b khoản này, đối với trường hợp người mua là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thì người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận ghi rõ nội dung sai; trường hợp người mua là cá nhân thì người bán phải thông báo cho người mua hoặc thông báo trên website của người bán (nếu có). Người bán thực hiện lưu giữ văn bản thỏa thuận tại đơn vị và xuất trình khi có yêu cầu."

2. Quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ:

"2. Sử dụng hóa đơn, chứng từ trong các trường hợp sau đây là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ:

a) Hóa đơn, chứng từ không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; hóa đơn tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định;..."

- Căn cứ điểm h khoản 3 Điều 1 Nghị định 102/2021/NĐ-CP ngày 16/11/2021 bổ sung khoản 4 Điều 24 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn như sau:

"Điều 1, Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

...3. Bổ sung điểm h vào khoản 4 Điều 24 như sau:

"Điều 24. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ

4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

...h) Lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định.””

Căn cứ các quy định trên, Đội thuế thành phố Thái Nguyên đề nghị Người nộp thuế khi thực hiện lập HĐĐT bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua (đặc biệt là hộ, cá nhân kinh doanh) bắt buộc phải thể hiện mã số thuế/căn cước công dân trừ một số trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đặc thù cho người tiêu dùng là cá nhân quy định tại điểm c khoản 14 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ (từ ngày 01/06/2025 thực hiện theo điểm d khoản 7 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP ngày 20/03/2025 của Chính phủ) bao gồm HĐĐT bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại, HĐĐT bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh. Trường hợp hóa đơn đã lập bị sai thì thực hiện điều chỉnh hoặc thay thế hóa đơn theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ (từ ngày 01/06/2025 thực hiện theo khoản 13 Điều 1 Nghị định số 70/2025/NĐ-CP ngày 20/03/2025 của Chính phủ). Các tổ chức, doanh nghiệp, chủ động rà soát việc lập HĐĐT, bảo đảm ghi đầy đủ thông tin bắt buộc.

Trường hợp Người nộp thuế sử dụng hóa đơn, chứng từ không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định (đặc biệt không ghi MST của người mua là cơ sở kinh doanh có mã số thuế vào nội dung hóa đơn) là hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn, sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ và bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn theo quy định của pháp luật.

Đội thuế thành phố Thái Nguyên trân trọng thông báo đến các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn thành phố Thái Nguyên được biết và thực hiện đúng quy định. Chu

Nơi nhận: 

- Như trên; 

- Lưu: VT, QLDN.(3) 

 

 

KT. ĐỘI TRƯỞNG

PHÓ ĐỘI TRƯỞNG 




Nguyễn Thị Thanh Nhàn