Cách hạch toán tài khoản 112 (tiền gửi ngân hàng, kho bạc) theo Thông tư 24

Hạch toán tài khoản 112 (tiền gửi ngân hàng, kho bạc) là nhiệm vụ quan trọng trong quản lý tài chính của các đơn vị hành chính sự nghiệp. Thông tư 24/2024/TT-BTC cung cấp hướng dẫn chi tiết để đảm bảo tính minh bạch và chính xác. Bài viết này của Kế toán Lê Ánh sẽ giúp bạn nắm vững quy trình hạch toán tài khoản 112 theo quy định mới, nâng cao hiệu quả công tác kế toán.

1. Nguyên tắc kế toán tài khoản 112

1.1. Tài khoản này phản ánh số hiện có, tình hình biến động tất cả các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của đơn vị gửi tại các ngân hàng, kho bạc nhà nước (bao gồm tiền Việt Nam và ngoại tệ).

1.2. Việc ghi sổ kế toán tài khoản tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc phải trên cơ sở các giấy báo Có, báo Nợ hoặc Bảng sao kê của ngân hàng, kho bạc nhà nước kèm theo các chứng từ gốc. Nghiêm cấm việc tự ý ghi tăng, giảm số liệu trên tài khoản này mà không trên cơ sở chứng từ đã có xác nhận thanh toán của ngân hàng, kho bạc nhà nước.

1.3. Kế toán phải mở sổ kế toán chi tiết để theo dõi đến từng tài khoản tiền gửi mở tại ngân hàng và kho bạc nhà nước.

1.4. Định kỳ hàng tháng đơn vị phải kiểm tra, đối chiếu nhằm đảm bảo số tiền gửi vào, rút ra và tồn cuối kỳ khớp đúng với số liệu của tài khoản do ngân hàng, kho bạc nhà nước quản lý. Khi thực hiện đối chiếu phải kiểm tra số liệu chi tiết tương ứng với từng tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, kho bạc nhà nước. Nghiêm cấm đơn vị ký xác nhận Bảng đối chiếu trong khi số liệu tại đơn vị và số liệu tại ngân hàng, kho bạc nhà nước còn chênh lệch. Trường hợp có chênh lệch phải báo ngay cho ngân hàng, kho bạc nhà nước để kiểm tra và điều chỉnh kịp thời.

1.5. Hàng tháng sổ chi tiết tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, kho bạc nhà nước phải được kết xuất, in, đối chiếu và ký đầy đủ các chữ ký của những người có liên quan theo quy định và đóng lưu trữ cùng Bảng đối chiếu số liệu đã có xác nhận của ngân hàng, kho bạc nhà nước nơi mở tài khoản.

1.6. Kế toán tiền gửi ngân hàng, kho bạc nhà nước phải chấp hành nghiêm chỉnh chế độ quản lý, lưu thông tiền tệ và các quy định có liên quan.

hach-toan-112

2. Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 112- Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc

Bên Nợ:

- Các khoản tiền Việt Nam, ngoại tệ ghi tăng;

- Giá trị ngoại tệ quy ra đồng Việt Nam tăng khi đánh giá lại số dư ngoại tệ tại thời điểm báo cáo (trường hợp tỷ giá ngoại tệ tăng).

Bên Có:

- Các khoản tiền Việt Nam, ngoại tệ ghi giảm;

- Giá trị ngoại tệ quy ra đồng Việt Nam giảm khi đánh giá lại số dư ngoại tệ tại thời điểm báo cáo (trường hợp tỷ giá ngoại tệ giảm).

Số dư bên Nợ: Các khoản tiền Việt Nam, ngoại tệ còn gửi tại ngân hàng, kho bạc nhà nước.

Tài khoản 112- Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc, có 2 tài khoản cấp 2:

- Tài khoản 1121- Tiền Việt Nam: Phản ánh số hiện có và tình hình biến động các khoản tiền Việt Nam của đơn vị đang gửi tại các ngân hàng, kho bạc nhà nước.

- Tài khoản 1122- Ngoại tệ: Phản ánh số hiện có và tình hình biến động giá trị của các loại ngoại tệ của đơn vị đang gửi tại các ngân hàng, kho bạc nhà nước.

3. Phương pháp kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu

3.1. Khi xuất quỹ tiền mặt gửi vào ngân hàng, kho bạc nhà nước, ghi:

Nợ TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc

Có TK 111 - Tiền mặt.

3.2. Nhận kinh phí do NSNN cấp bằng Lệnh chi tiền vào tài khoản tiền gửi dự toán của đơn vị, ghi:

Nợ TK 112- Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc

Có các TK 135, 511.

Đồng thời, ghi:

Nợ TK 005- Lệnh chi tiền tạm ứng (nếu là Lệnh chi tiền tạm ứng).

Nợ TK 011- Kinh phí ngân sách cấp bằng tiền (nếu nhận kinh phí ngân sách cấp bằng tiền)

3.3. Thu hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bằng chuyển khoản, ghi:

Nợ TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc

Có TK 531 - Doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Có TK 333 - Các khoản phải nộp nhà nước (nếu có).

3.4. Khi thu phí, lệ phí bằng chuyển khoản, ghi:

Nợ TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc

Có TK 338 - Phải trả khác (3383), hoặc

Có TK 138 - Phải thu khác (1383).

3.5. Khi thu hồi các khoản tạm ứng cho người lao động, các đầu mối chi tiêu trong đơn vị bằng chuyển khoản, ghi:

Nợ TK 112- Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc

Có TK 141- Tạm ứng.

3.6. Khi thu được lãi đầu tư tín phiếu, trái phiếu, cổ tức, lợi nhuận được chia và các khoản đầu tư tài chính khác bằng chuyển khoản, ghi:

Nợ TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc

Có TK 138- Phải thu khác (1385), hoặc

Có TK 515- Doanh thu tài chính.

hach-toan-tk-112

3.7. Nhận vốn góp của chủ sở hữu bằng chuyển khoản, ghi:

Nợ TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc

Có TK 411 - Vốn góp.

3.8. Đơn vị nhận được tiền đặt cọc, ký quỹ, ký cược vào tài khoản tiền gửi, ghi:

Nợ TK 112- Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc

Có TK 348 - Nhận đặt cọc, ký quỹ, ký cược.

3.9. Các khoản thuế đã nộp nhưng sau đó được hoàn, được giảm (không bao gồm hoàn thuế GTGT); tiền phạt do khách hàng vi phạm hợp đồng; thu nợ khó đòi đã xử lý xóa sổ; nhận được quà biếu, quà tặng của các tổ chức cá nhân trong nước và các khoản thu nhập khác bằng chuyển khoản, ghi:

Nợ TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc

Có TK 711 -Thu nhập khác.

3.10. Các khoản chi trực tiếp từ tài khoản tiền gửi ngân hàng, kho bạc nhà nước, ghi:

Nợ các TK 241, 154,...

Có TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc.

3.11. Khi thanh toán các khoản nợ phải trả, các khoản nợ vay hoặc chi trả tiền lương và các khoản phải trả khác bằng chuyển khoản, ghi:

Nợ các TK 331, 334, 338, 341,...

Có TK 112- Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc.

3.12. Chuyển khoản nộp các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước từ tài khoản tiền gửi, ghi:

Nợ TK 333- Các khoản phải nộp nhà nước

Có TK 112- Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc.

3.13. Trường hợp đánh giá lại số dư tiền gửi bằng ngoại tệ:

- Trường hợp tỷ giá thực tế tại thời điểm cuối kỳ lớn hơn tỷ giá ghi sổ, phản ánh phần chênh lệch tăng do đánh giá lại, ghi:

Nợ TK 112- Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc (1122)

Có TK 413- Chênh lệch tỷ giá hối đoái.

- Trường hợp tỷ giá thực tế tại thời điểm cuối kỳ nhỏ hơn tỷ giá ghi sổ, phản ánh phần chênh lệch giảm do đánh giá lại, ghi:

Nợ TK 413- Chênh lệch tỷ giá hối đoái

Có TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc (1122).

Hạch toán tài khoản 112 (tiền gửi ngân hàng, kho bạc) theo Thông tư 24/2024/TT-BTC cần chính xác và tuân thủ đầy đủ quy định. Hy vọng bài viết trên của Kế toán Lê Ánh  đã giúp bạn nắm rõ quy trình, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính. Chúc bạn thành công!

 

Kế Toán Lê Ánh - Nơi đào tạo kế toán thực hành uy tín nhất hiện nay, đã tổ chức thành công rất nhiều khóa học nguyên lý kế toánkhóa học kế toán tổng hợpkhóa học kế toán cao cấpkhóa học kế toán quản trịkhóa học kế toán thuế chuyên sâu, khóa học phân tích báo cáo tài chínhkhóa học chứng chỉ kế toán trưởngkhóa học kế toán cho chủ doanh nghiệpkhóa học kế toán hành chính sự nghiệp... và hỗ trợ kết nối tuyển dụng cho hàng nghìn học viên.

Nếu như bạn muốn tham gia các khóa học kế toán online/offline của trung tâm Lê Ánh thì có thể liên hệ hotline tư vấn: 0904.84.8855/ Mrs Lê Ánh 

Ngoài các khóa học kế toán thì trung tâm Lê Ánh còn cung cấp các khoá học xuất nhập khẩu online - offline, khóa học hành chính nhân sự online - offline chất lượng tốt nhất hiện nay.

Thực hiện bởi: KẾ TOÁN LÊ ÁNH - TRUNG TÂM ĐÀO TẠO KẾ TOÁN SỐ 1 VIỆT NAM