Cách xử lý hóa đơn đầu vào bỏ sót năm trước

Hóa đơn bị bỏ sót năm trước có được tính vào chi phí năm nay? hay Hạch toán hóa đơn đầu vào bỏ sót năm trước như thế nào?

Dưới đây Kế toán Lê Ánh sẽ thông tin chi tiết tới bạn đọc những quy định về kê khai hóa đơn bỏ sót và cách xử lý trong trường hợp này

Tham khảo: Khóa Học Kế Toán Tổng Hợp Online - Tương Tác Trực Tiếp Với Giảng Viên

Quy định về việc kê khai hóa đơn bỏ sót

Dưới đây là tổng hợp những quy định về việc kê khai sót hóa đơn đầu vào - đầu ra

Theo Công văn 4943/TCT-KK của Tổng cục thuế ban hành ngày 23/11/2015 trong đó có hướng dẫn cụ thể về kê khai hóa đơn bỏ sót như sau:

a) Kê khai hóa đơn bỏ sót

- Khoản 6 Điều 1 Luật số 31/2013/QH13 quy định “đ) Thuế giá trị gia tăng đầu vào phát sinh trong tháng nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của tháng đó. Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế giá trị gia tăng đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.”

- Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính:

+ Điều 8 hướng dẫn thời Điểm xác định thuế GTGT:

“1. Đối với bán hàng hóa là thời Điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

2. Đối với cung ứng dịch vụ là thời Điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời Điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền....”

+ Tiết a, Khoản 5, Điều 12 hướng dẫn: “Cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng tính thuế theo phương pháp khấu trừ thuế khi bán hàng hóa, dịch vụ phải tính và nộp thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra.”

+ Khoản 8 Điều 14 hướng dẫn: “Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của kỳ đó, không phân biệt đã xuất dùng hay còn để trong kho.

Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.”

Căn cứ hướng dẫn trên, trường hợp người nộp thuế phát hiện hóa đơn, chứng từ của các kỳ trước bị bỏ sót chưa kê khai thì thực hiện kê khai, khấu trừ bổ sung như sau:

- Đối với người bán: hóa đơn đầu ra xuất bán phát sinh kỳ nào thì thực hiện khai bổ sung, Điều chỉnh kỳ tính thuế phát sinh hóa đơn đó theo quy định.

Ví dụ 4: Tháng 04/2015 người nộp thuế phát hiện hóa đơn GTGT đầu ra phát sinh tháng 01/2015 chưa kê khai thì người nộp thuế nộp hồ sơ khai bổ sung, Điều chỉnh hồ sơ khai thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 01/2015 theo quy định.

- Đối với người mua: thời Điểm phát hiện hóa đơn bỏ sót kỳ nào thì kê khai, khấu trừ bổ sung tại kỳ tính thuế phát hiện hóa đơn bỏ sót nhưng phải trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định, kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.

Ví dụ 5: Tháng 05/2015 người nộp thuế phát hiện hóa đơn mua vào phát sinh tháng 12/2014 chưa kê khai thì NNT kê khai vào “Mục I - Hàng hóa, dịch vụ mua vào trong kỳ” trên tờ khai 01/GTGT của kỳ tính thuế tháng 04/2015 (nếu còn trong thời hạn khai thuế) hoặc tháng 05/2015 nhưng phải trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.

>>>> Khóa Học Kế Toán Tổng Hợp Thực Hành

Cách xử lý hóa đơn đầu vào bị bỏ sót từ năm trước

Cách xử lý hóa đơn đầu vào bị bỏ sót từ năm trước

 

Cách xử lý hóa đơn đầu vào bị bỏ sót từ năm trước

Căn cứ vào những quy định trên, việc hóa đơn GTGT đầu vào bị sót từ năm trước sẽ xử lý như sau:

  • Doanh nghiệp phát hiện hóa đơn bỏ sót của kỳ nào phải tiến hành kê khai, khấu trừ bổ sung vào kỳ tính thuế phát hiện hóa đơn bỏ sót.
  • Việc kê khai, khấu trừ hóa đơn bỏ sót chỉ được thực hiện trước khi cơ quan thuế và cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.

Lưu ý: Với những đơn vị kinh doanh nhận được công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thì sẽ không được áp dụng khấu trừ, hoàn thuế GTGT với những hóa đơn bỏ sót.

Hạch toán hóa đơn đầu vào bỏ sót năm trước

Ví dụ minh họa cách hạch toán hóa đơn đầu vào bỏ sót năm trước: Công ty X có hóa đơn số HĐ 00123 đầu vào ngày 01/12/2019.

1. Giá chưa Thuế GTGT =  10.000.000đ

2. Thuế GTGT (10%) = 1.000.000đ

3. Giá Sau thuế = 11.000.000

Tháng 01/2020 doanh nghiệp mới nhận được hóa đơn giao cho phòng kế toán.

Tại tháng 12/2019: Ngày 01/12/2019

Nợ TK 156 = 10.000.000đ

Nợ TK 1388 = 1.000.000đ

Có TK 331 = 11.000.000

Tháng 01/2020 phát hiện sai tại kỳ khai thuế tháng 12/2019 doanh nghiệp tiến hành kê khai thuế bổ sung cho hóa đơn bỏ sót số 00123 này.

Tại tháng 01/2020: Ngày 01/01/2020 lập bút toán hoàn nguyên VAT và triệt tiêu TK 1388

Nợ TK 1331 = 1.000.000 đ

Có TK 1388 = 1.000.000 đ

Như vậy

  • Về bản chất kế toán thì sử dụng TK 1388 thay thế cho TK 1331 là sai nguyên tắc và chuẩn mực kế toán.
  • Về tác dụng để làm khớp tờ khai và khớp công nợ.
  • Khi có thanh kiểm tra thuế: Kế toán chỉ cần kê sẵn 01 bản ra excel ghi sẵn tháng hạch toán ghi nhận TK 1388 và tháng kê khai thuế kết chuyển ghi nhận TK 1331 để sau này khi bị cán bộ thuế và kiểm toán hỏi thì giải trình.
  • Hạch toán hóa đơn đầu vào bỏ sót năm trước sai tài khoản nhưng nếu nó giúp bạn theo dõi và kiếm soát tốt công việc thì vẫn tiếp tục áp dụng, chỉ cần việc giải trình với cán bộ chức năng của bạn tốt là được, cái quan trọng khi thanh kiểm tra thuế là ở tính hợp lý, hợp lệ, hợp pháp của hóa đơn

Trên đây là cách xử lý hóa đơn đầu vào bị bỏ sót từ năm trước. Mong rằng những thông tin Kế toán Lê Ánh chia sẻ hữu ích với các bạn!

Xem thêm bài viết: Một số lưu ý quan trọng về hóa đơn