Kế toán dịch vụ du lịch
Kế toán trong công ty du lịch phải thực hiện những công việc gì? Các bước hạch toán trong công ty du lịch như thế nào?. Trong nội dung bài viết này kế toán Lê Ánh sẽ chia sẻ một số vấn đề về kế toán dịch vụ du lịch.
Kế toán dịch vụ du lịch
Du lịch là ngành công nghiệp không khói. Sản phẩm của ngành du lịch mang tính tổng hợp cao, không chỉ thỏa mãn nhu cầu thăm viếng các danh lam thắng cảnh, các khu di tích lịch sử của khách hàng mà còn thỏa mãn các nhu cầu giải trí, ăn uống, nghỉ ngơi…
Do đó sản phẩm của ngành du lịch thường rất đa dạng và phong phú, các hoạt động trong ngành du lịch như: vận chuyển du lịch, hướng dẫn du lịch, nhà hàng, khách sạn, vũ trường, spa, bán hàng lưu niệm....
Kế toán mở chi tiết theo từng hoạt động: Hướng dẫn du lịch, kinh doanh khách sạn, kinh doanh vận tải du lịch và các dịch vụ khác.
Trong phần này chúng ta tìm hiểu kỹ hơn về dịch vụ hướng dẫn du lịch, hoạt động vận chuyển, và các dịch vụ khác:
Công ty du lịch thường tổ chức du lịch theo tour, tuyến. Chẳng hạn 1 công ty có văn phòng chính tại TPHCM, tổ chức chia thành 2 bộ phận du lịch: Du lịch nội địa và du lịch nước ngoài. Mỗi bộ phận được chia thành nhiều tuyến khác nhau:
Ví dụ: Du lịch nội địa được chia thành nhiều tuyến: Nha Trang, Đà Lạt, Mũi Né, Hà Nội… hoặc tổ chức thành cụm tuyến Nha Trang - Đà Lạt; Huế - Đà Nẵng… Du lịch nước ngoài có các tuyến đi Mỹ, Úc, Châu Âu… mỗi tuyến cũng được chia thành nhiều loại tour khác nhau căn cứ vào số lượng ngày đi và địa điểm muốn đến… Trên cơ sở xây dựng định mức chi phí từng tour cho một số lượng người nhất định, công ty tính được giá bán tour cho khách hàng. Trong trường hợp tổ chức tour theo đơn đặt hàng sẽ được tính riêng tùy thuộc vào đặc điểm mỗi tour và nhu cầu khách hàng.
Đối tượng tính giá thành:
Kế toán tập hợp chi phí và tính giá thành theo tour, toàn bộ chi phí liên quan trực tiếp đến tour nào thì tính giá thành của tour đo.
Note: Đối tượng tính giá thành của hoạt động hướng dẫn du lịch là từng tour
Nội dung các khoản mục chi phí dịch vụ hướng dẫn du lịch được tính vào giá thành như sau:
Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp
Chi phí nguyên liệu trực tiếp là toàn bộ chi phí chi ra trong suốt chuyến đi phải chi trả cho khách theo các điều kiện đã ghi trên hợp đồng, bao gồm:
- Chi phí đi lại: Tiền thuê xe (nếu có), tiền mua vé xe, xé tàu, vé máy bay…
- Chi phí ăn uống
- Tiền vé tham quan các khu danh lam thắng cảnh, các khu di tích
- Tiền thuê khách sạn cho khách hàng.
- Các chi phí mua vật dụng tặng cho khách: Túi xách, ba lô, nón, khăn…
Chi phí nhân công trực tiếp:
Chi phí nhân công trực tiếp bao gồm tiền lương và các khoản trích theo lương và các chi phí đi lại, ăn ở của hướng dẫn viên du lịch.
Nếu công ty thuê hướng dẫn viên bên ngoài thì chi phí nhân công trực tiếp là tiền công thuê ngoài
Chi phí sản xuất chung:
Chi phí sản xuất chung là các chi phí chi cho hướng dẫn viên du lịch nhằm giúp họ hoàn thành nhiệm vụ của mình, bao gồm: Các chi phí vật dụng sử dụng như micro, camera…
Xác định chi phí sản xuất kinh doanh dở dang
Tại thời điểm tính giá thành dịch vụ hướng dẫn du lịch (thường là cuối tháng), những tour vẫn chưa kết thúc là những tour dở dang. Chi phí của những tour dở dang là toàn bộ chi phí phát sinh thực tế tính đến thời điểm cuối tháng.
Thông thường mỗi khi kết thúc tour, nhân viên điều hành tour sẽ lập bảng chiết tính tour thống kê toàn bộ doanh thu, chi phí thực tế của tour đó kèm theo các chứng từ để làm cơ sở kế toán ghi vào sổ sách và phục vụ cho công tác quản trị.
Trên đây kế toán Lê Ánh đã chia sẻ một số vấn đề về kế toán dịch vụ vận tải. Để hiểu hơn về cách hạch toán các nghiệp vụ kế toán trong các công ty du lịch bạn đọc có thể tham khảo các bài viết trên ketoanleanh.edu.vn hoặc đăng ký các lớp học kế toán thực tế tại kế toán Lê Ánh.
Xem thêm: Kế toán dịch vụ vận tải